TP Huế điều chỉnh quy hoạch, mở rộng cảng Chân Mây lên 1.160ha
Theo điều chỉnh mới, diện tích quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, TP Huế được mở rộng từ hơn 700ha lên 1.160ha, tăng thêm gần 460ha so với hiện trạng.
Cảng Chân Mây được mở rộng từ hơn 700ha lên 1.160ha (Ảnh chanmayport.com) |
HĐND thành phố Huế vừa thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, thành phố Huế.
Ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp vịnh Chân Mây; phía Tây giáp vịnh Chân Mây và khu vực Cảnh Dương; phía Đông giáp núi Giòn, mũi Chân Mây Đông; phía Nam giáp tuyến đường ven biển Cảnh Dương.
Theo đó, với điều chỉnh này, cảng Chân Mây sẽ hướng đến là cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, có bến chuyên dùng cho khách du lịch quốc tế; là đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phục vụ liên vùng, kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào, và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh sẽ cụ thể hóa quy hoạch khu bến Chân Mây trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch TP Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, TP Huế đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cảng Chân Mây đón trên 312.000 lượt khách du lịch bằng đường biển |
Được biết, theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, TP Huế) được định hướng để đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn, phát triển các bến cảng phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng phụ trợ.
Với vị trí gần cửa ngõ hướng ra biển Đông, cảng Chân Mây có khả năng kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, nối miền Trung (Việt Nam) với Lào, Myanmar và Thái Lan. Đây cũng là điểm trung chuyển thuận lợi trên tuyến đường biển giữa Philippines, Singapore và Hong Kong.
Hiện tại, cảng Chân Mây có bến số 1 dài 480m, đủ năng lực tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 50.000 DWT và tàu du lịch lớn. Hệ thống kho bãi rộng hơn 12.800 m2, được bố trí thành những khu vực riêng cho từng loại hàng hóa.
Từ khi hoạt động đến nay, cảng Chân Mây đã đón hơn 12 triệu tấn hàng hóa, trên 312.000 lượt khách du lịch bằng đường biển, với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 1.050 triệu USD.
Đây là cảng biển miền Trung có thể đón tàu lớn nhất hiện nay, với khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tàu khách 100.000 GRT.