Tìm được loạt nhà cung cấp thay thế Nga, châu Âu vẫn đứng trước nguy cơ mua khí đốt “made in Russia” mà không hề hay biết
Hiện đã có quốc gia thay thế vị trí nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro.
Theo Oilprice, do các nghĩa vụ về hợp đồng, một số quốc gia Đông Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga thông qua đường ống đi qua Ukraine dù khối này đang cố gắng cấm vận. Tuy nhiên tình trạng này sẽ chấm dứt trong năm nay khi các điều khoản hợp đồng kết thúc, đánh dấu sự chấm dứt "trên danh nghĩa" dòng chảy khí đốt từ Nga và châu Âu.
Na Uy hiện đã thay thế Nga và trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu. Mỹ cũng đã tăng cường cung cấp LNG để hỗ trợ EU vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Bên cạnh 2 nhà cung cấp trên, một quốc gia phía đông là Azerbaijan cũng đang trở thành một nhà cung cấp tiềm năng cho châu Âu.
Tuy nhiên nguồn cung từ Azerbaijan đang tạo ra một sự hoài nghi lớn. Bộ trưởng năng lượng Séc Jozef Sikela cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận được nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên có thể có khí đốt của Nga trộn lẫn vào. Nguyên nhân là khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan rất khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc.
“Chúng ta cần tránh tình huống mua khí đốt dù về hình thức không phải nguồn gốc từ Nga nhưng lại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển, làm suy yếu nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga”
Theo Reuters, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga qua đường ống nói chung sang châu Âu đã giảm 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước và tháng 7 năm 2024.
Cũng trong tháng 8, lượng vận chuyển đường ống trung bình hàng ngày của gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom tới châu Âu đã giảm xuống 89,6 triệu mét khối, giảm 2% so với tháng trước và giảm 2,3% so với tháng 8 năm 2023. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt cho châu Âu và là nhà cung cấp lớn nhất.
Về tình hình khí đốt của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng cường nỗ lực nhắm mục tiêu vào các công ty tham gia phát triển dự án và các tàu bị phát hiện đã nạp LNG từ cơ sở LNG 2 ở Bắc Cực của Nga vào tháng trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 8 cho biết họ đã thực hiện các biện pháp mới để trừng phạt các thực thể hỗ trợ phát triển LNG 2 ở Bắc Cực của Nga và các dự án năng lượng khác trong tương lai, dẫn đến các tàu chở khí đốt của Nga đã phải quay đầu.
Trong một nỗ lực chào bán khí đốt giá rẻ đến các khách hàng châu Á, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết giá khí đốt nước này bán cho Trung Quốc sẽ thấp hơn 28% so với giá bán cho người tiêu dùng châu Âu, ít nhất cho đến năm 2027.