A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hư việc dầu Nga được ‘phù phép’ để chảy vào Lầu Năm Góc

Các sản phẩm dầu mỏ bị cấm của Nga tiếp tục chảy vào Lầu Năm Góc thông qua một nhà máy lọc dầu của Hy Lạp, một cuộc điều tra của hãng tin Mỹ The Washington Post cho hay.

Dầu Nga được "phù phép"

Cuộc điều tra cho thấy Lầu Năm Góc đang mua các sản phẩm dầu được chế biến từ dầu mỏ của Nga. Các dữ liệu mà The Washington Post có chỉ ra rằng dầu mỏ được gửi từ các cảng Biển Đen của Nga thông qua một cơ sở lưu trữ dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường này được cho là đã giúp che giấu nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm dầu mỏ Nga vì chúng “đã đổi chủ nhiều lần trước khi đến Hy Lạp”.

Sau khi được chuyển tới nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas trên Biển Aegean ở Hy Lạp, dầu Nga sẽ tiếp tục được vận chuyển tới Lầu Năm Góc. Motor Oil Hellas vốn là nhà cung cấp nhiên liệu quan trọng cho quân đội Mỹ.

Khu liên hợp trung chuyển Sheskharis ở Novorossiysk, Nga, một trong những khu liên hợp nạp dầu lớn nhất để trung chuyển dầu và các sản phẩm dầu mỏ ở miền nam nước Nga. Cơ sở này đã hoạt động từ năm 1964.

Trên giấy tờ, nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas lấy nhiên liệu từ bến vận chuyển Dortyol ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồ sơ theo dõi tàu biển và dữ liệu thương mại tiết lộ rằng kể từ khi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 nước công nghệ tiên tiến (G7) được áp lên sản phẩm dầu mỏ của Nga vào tháng 2 năm ngoái, lượng giao hàng của Nga tới Dortyol đã đạt tổng cộng 2,7 triệu thùng, chiếm hơn 69% lượng dầu nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển.

Ông Robert Auers, nhà phân tích thị trường nhiên liệu tinh chế tại công ty nghiên cứu RBN Energy cho biết: “Tôi không thấy bất kỳ kết luận khả dĩ nào khác ngoài việc nhiên liệu của Nga đang chảy vào Motor Oil Hellas”.

Theo RBN Energy, ít nhất năm chuyến hàng từ Nga đến kho cảng Dortyol trong năm nay được gửi từ công ty dầu mỏ Rosneft của Nga. Dữ liệu giao dịch cho thấy sau khi được chất lên tàu chở dầu, mỗi lô hàng sau đó được một công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mua.

Những thùng nhiên liệu này sau đó đã không còn được xem là của Nga khi cập cảng Hy Lạp, nơi nó đang được tinh chế và trộn vào chuối cung ứng nhiên liệu cho quân đội Mỹ.

Không thể xác định chính xác lượng dầu nhiên liệu có nguồn gốc từ Nga trong các sản phẩm mà Lầu Năm Góc đã mua. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 3/2022, Lầu Năm Góc đã ký các hợp đồng mới trị giá gần 1 tỷ USD với Motor Oil Hellas. Đây là một sự gia tăng lớn so với năm trước.

Ngoài ra, hơn 1 triệu thùng nhiên liệu máy bay cũng đã được vận chuyển từ nhà máy lọc dầu của Hy Lạp tới các khách hàng chính phủ và doanh nghiệp ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Anh kể từ khi lệnh cấm các sản phẩm dầu của Nga được áp dụng vào tháng 2, theo hồ sơ theo dõi tàu biển.

Thực hư ra sao?

Ông Joe Yoswa, phát ngôn viên của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng của Lầu Năm Góc - cơ quan phụ trách việc mua nhiên liệu cho quân đội Mỹ, cho biết trong một email rằng cơ quan này “không biết” về việc nhiên liệu từ Nga được chuyển đến nhà cung cấp Hy Lạp.

MT Stena Polaris (T-AOT 5563), tàu chở dầu cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho các cơ sở phân phối của Bộ Quốc phòng Mỹ trên toàn thế giới, rời Rota, Tây Ban Nha vào ngày 23/6.

Cơ quan này khẳng định các nhà thầu của họ, bao gồm Motor Oil Hellas, “có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ các luật và quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh với Nga và các công ty Nga” và “phải chứng nhận việc họ tuân thủ các luật và quy định đó như một phần của quá trình mua lại”.

Motor Oil Hellas cam kết trong một tuyên bố rằng công ty “không mua, xử lý hoặc kinh doanh dầu hoặc sản phẩm của Nga. Tất cả hàng nhập khẩu của họ đều được chứng nhận có nguồn gốc không bị trừng phạt".

Các tàu chở dầu neo đậu trong quá trình bốc hàng tại nhà máy lọc dầu Aspropyrgos, do Motor Oil Hellas vận hành, ở Athens năm 2015.

Các quan chức nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện của Tập đoàn Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ, đơn vị nắm quyền sở hữu một số chuyến hàng dầu nhiên liệu đến Dortyol, đã không trả lời các câu hỏi liên quan đến nguồn gốc nhiên liệu.

Các quan chức tại Global Terminal Services, công ty sở hữu cơ sở Dortyol, cho biết trong một email rằng họ chỉ là “trung gian” để lưu trữ sản phẩm và không sở hữu sản phẩm mà họ lưu trữ.

Họ cho biết họ không chấp nhận các chuyến hàng từ các tàu mang cờ Nga và “tuân thủ đầy đủ các quy tắc, quy định hiện hành của địa phương và quốc tế”, bao gồm cả việc duy trì “quy trình tuân thủ mạnh mẽ” liên quan đến các chế độ trừng phạt.

Xem thêm >> Liên tiếp tái phạm một đạo luật của Nga, ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ lĩnh án phạt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan