Thực hư đề xuất chuyển toàn bộ người dân Dải Gaza đến Bán đảo Sinai của Ai Cập
Một bộ thuộc Chính phủ Israel được cho là đã soạn thảo đề xuất thời chiến nhằm chuyển toàn bộ 2,3 triệu người ở Dải Gaza đến Bán đảo Sinai của Ai Cập. Đề xuất này ngay lập tức bị người Palestine lên án và có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và Ai Cập.
Theo hãng tin AP của Mỹ, tài liệu liên quan tới đề xuất nêu trên đóng dấu ngày 13/10, nghĩa là 6 ngày sau khi phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine ra đòn tấn công bất ngờ nhằm vào Israel.
Cuộc tấn công này, như thông tin của các quan chức Israel, đã khiến ít nhất 1.400 người ở miền Nam Israel thiệt mạng. Ngoài ra, các tay súng Hamas còn bắt đi hơn 240 con tin đưa về Dải Gaza.
Cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 sau đó dẫn tới đòn trả đũa quyết liệt của Israel, theo cơ quan y tế của chính quyền Gaza do Hamas kiểm soát, tới nay đã khiến hơn 8.000 người Palestine tử vong mà đa số trong đó là dân thường.
Trong tài liệu của mình, Bộ Tình báo Israel đã đưa ra ba lựa chọn thay thế "để tạo ra sự thay đổi đáng kể về cư dân trên thực tế ở Dải Gaza”.
Các tác giả của tài liệu cho rằng giải pháp thay thế này là điều mong muốn nhất đối với an ninh của Israel.
Tài liệu đề xuất di chuyển dân thường Gaza đến các thành phố lều trại ở phía Bắc Bán đảo Sinai, sau đó xây dựng các thành phố lâu dài và một hành lang nhân đạo không xác định.
Một khu vực an ninh sẽ được thiết lập bên trong Israel để ngăn không cho những người Palestine đã được di rời tiến vào. Tài liệu không cho biết điều gì sẽ xảy ra ở Gaza một khi dân số ở đây bị xóa sổ.
Theo tài liệu, Ai Cập không hẳn là điểm dừng chân cuối cùng của người tị nạn Palestine.
Tài liệu đề cập tới việc Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hỗ trợ kế hoạch này hoặc là về mặt tài chính hoặc là bằng cách tiếp nhận những cư dân bị mất gốc ở Gaza như những người tị nạn và về lâu dài sẽ trở thành công dân.
Tài liệu cho biết thêm chính sách nhập cư “khoan dung” của Canada cũng khiến nước này trở thành mục tiêu tái định cư tiềm năng cho người Palestine.
Sau khi tài liệu xuất hiện, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giảm nhẹ mức độ của nó bằng cách cho rằng tài liệu do tình báo Israel soạn thảo, chỉ là một bài tập giả định.
Hơn nữa, tài liệu chưa được thảo luận trong bất kỳ diễn đàn chính thức nào ở Israel, quốc gia vốn đang tập trung cho nỗ lực phá hủy năng lực quản lý và quân sự của Hamas.
Một quan chức Israel quen thuộc với tài liệu này cũng cho biết tài liệu không mang tính ràng buộc, cũng không có bất cứ cuộc thảo luận thực chất nào về vấn đề này với các quan chức an ninh.
Tuy nhiên, kết luận nêu ra trong tài liệu đã xoáy sâu thêm nỗi lo sợ lâu nay của người Ai Cập rằng Israel muốn biến Gaza thành vấn đề của Ai Cập.
Kết luận đó đồng thời còn làm sống lại ký ức của người Palestine về sang chấn tâm lý lớn nhất của họ. Đó là việc việc hàng trăm nghìn người Palestine đã phải chạy trốn hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc giao tranh vào năm 1948.
Chính vì thế, ngay sau khi tài liệu xuất hiện, Nabil Abu Rudeineh, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, đã lên tiếng phản đối và cho rằng việc chuyển đến bất kỳ nơi nào, dưới bất kỳ hình thức nào được chính quyền Palestine coi là lằn ranh đỏ, không cho phép vượt qua.
Theo ông Abu Rudeineh, câu chuyện của năm 1948 không được phép xảy ra nữa và một cuộc di dời hàng loạt sẽ “tương đương với việc tuyên bố một cuộc chiến tranh mới”.
Bộ Ngoại giao Ai Cập đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận về tài liệu này. Nhưng Cairo đã tuyên bố rõ ràng rằng trong cuộc xung đột Israel - Hamas, họ không muốn tiếp nhận làn sóng người tị nạn Palestine.
Ai Cập từ lâu đã lo ngại rằng Israel muốn trục xuất vĩnh viễn người Palestine vào lãnh thổ của mình, như đã từng xảy ra trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Israel.
Ai Cập cai trị Gaza từ năm 1948 đến năm 1967, thời điểm Israel chiếm được vùng lãnh thổ này, cùng với khu Bờ Tây và phía Đông Jerusalem.
Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah El-Sissi, cho biết làn sóng người tị nạn ồ ạt từ Gaza sẽ loại bỏ chính nghĩa dân tộc chủ nghĩa của người Palestine.
Ông El-Sissi cho biết, điều này cũng có nguy cơ đưa phiến quân vào Sinai, nơi họ có thể tiến hành các cuộc tấn công vào Israel, gây nguy hiểm cho hiệp ước hòa bình năm 1979 của các nước.
Ông El-Sissi đề xuất rằng thay vào đó, Israel sẽ giam giữ người Palestine tại sa mạc Negev, nơi giáp ranh với Dải Gaza, cho đến khi nước này kết thúc các hoạt động quân sự.
Yoel Guzansky, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, cho biết tài liệu nêu trên có nguy cơ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa Israel với một đối tác quan trọng là Ai Cập.
Theo ông Guzansky, nếu tài liệu này là sự thật thì đây là một sai lầm nghiêm trọng vì nó có thể gây ra rạn nứt chiến lược giữa Israel và Ai Cập.
Báo tin tức
Link bài gốc Lấy link! https://baotintuc.vn/the-gioi/thuc-hu-de-xuat-chuyen-toan-bo-nguoi-dan-dai-gaza-den-ban-dao-sinai-cua-ai-cap-20231031233946377.htm