A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024

Ngày 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận về 5 nội dung quan trọng gồm 2 đề nghị xây dựng luật (Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)); 2 dự án luật (Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)); Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này và từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết. Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các q

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Theo Thủ tướng, ngoài việc cần coi trọng về số lượng, bảo đảm tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế "xin-cho", giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Nguyên tắc xây dựng luật là phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức phát sinh trong thực tiễn, từ đó huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Đồng thời, các đơn vị đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế; bảo đảm các điều kiện về tư liệu, tài liệu, các trang thiết bị cần thiết khác; bố trí những cán bộ đủ trình độ, năng lực, có trách nhiệm cao, đam mê, cảm xúc đối công việc; khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến và ưu tiên chế độ chính sách phù hợp với những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chỉ đạo đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất. Bộ Nội vụ quan tâm và hướng dẫn công tác này; phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan, bình đẳng.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để trình có cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị.

Lưu ý thời gian phiên họp có hạn, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung phong phú, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua khen thưởng.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan