Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hệ lụy từ “cánh rừng cao ốc”
Rừng chung cư, cao ốc dày đặc trên đường Lê Văn Lương làm "méo mó" quy hoạch, khiến các tuyến đường này cứ mưa là ngập, tắc đường liên miên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thủ đô…
Đó là chia sẻ của Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) bên hành lang Quốc hội về những hệ lụy từ cánh rừng chung cư, cao ốc “chọc trời” trên tuyến đường Lê Văn Lương tại Hà Nội.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện, ô đất 1.1-CQ bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) là cơ quan khi di dời đi đã xây dựng dự án, công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Chung cư Ban cơ yếu Chính phủ). Ảnh: Đình Phong.
Đất quân đội đã thành cao ốc “chọc trời”
Tại Kết luận thanh tra vừa ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt dự án “đu bám” bên đường Lê Văn Lương liên tục điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, nâng tầng cao, chuyển đổi chức năng sử dụng đất…
Có thể kể đến như, tại dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê (MB Grand Tower), Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, QHCT tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, ô đất 7.3-QĐ có chức năng an ninh quốc phòng, định hướng mục đích kinh tế, mật độ xây dựng 39%, hệ số sử dụng đất 6,32 lần, tầng cao trung bình 16,2 tầng.
Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) có Tờ trình 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận QH định hướng tại Văn bản 3362 năm 2008 điều chỉnh thành trụ sở, văn phòng cao 21 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định số 08 năm 2005 của Chính phủ, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07 năm 2008 của Bộ Xây dựng.
Năm 2014, Sở QH-KT có Văn bản 3841 thỏa thuận khối đế cao 5 tầng, mật độ xây dựng 45%, khối tháp cao tối đa 25 tầng, mật độ 39%, là điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền, không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không có chỉ giới xây dựng.
Đối với dự án Trụ sở làm việc Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng tại ô đất N19.1 do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cho biết, QHCT tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, ô đất 5.6-QĐ là đất quân đội, mật độ xây dựng 39,6%, tầng cao 12 tầng nhưng Sở QH-KT có tờ trình số 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận QH định hướng tại Văn bản 3362 năm 2008 điều chỉnh ô đất này từ 12 thành 18 tầng.
Năm 2010, Sở QH-KT tiếp tục có Văn bản 4036 chấp thuận TMB, PAKT số tầng cao là 6, 17, 21 tầng (chưa bao gồm 1 tầng mái và 2 tầng hầm), là điều chỉnh quy hoạch không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, ghi số tầng cao sai QCXDVN, quy định là 22 tầng…
“Trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở QH-KT. Đề nghị Sở QH-KT, UBND TP Hà Nội kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Đáng chú ý tại kết luận, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện, nhiều ô đất cơ quan bên tuyến đường Lê Văn Lương sau di dời nhường chỗ cho cao ốc mọc lên, trái với quy định của Thủ tướng.
Theo đó, tại điều 3 Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch".
Tuy nhiên, sau khi di dời, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã không ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.
Trong đó, ô đất 1.1-CQ là cơ quan khi di dời đi đã xây dựng dự án, công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Chung cư Ban cơ yếu Chính phủ) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư; ô đất 1.2-CQ là cơ quan khi di dời đã đầu tư Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty cổ phần Xây dựng Licogi 19 làm chủ đầu tư.
“Con đường đau khổ” Lê Văn Lương oằn mình cõng một rừng nhà cao tầng. Ảnh: TN
Mưa là ngập, tắc đường triền miên
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho biết, những vấn đề liên quan tới hệ lụy do quy hoạch kém tại trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là vấn đề được cử tri rất quan tâm.
"Rừng chung cư, cao ốc dày đặc ở tuyến phố nêu trên làm "méo mó" quy hoạch, khiến các tuyến đường này cứ mưa là ngập, tắc đường liên miên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thủ đô", đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Theo đại biểu Lâm, quy hoạch phải đồng bộ từ vấn đề hạ tầng. Từ các hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ cho người dân. Theo đó, khi xây dựng các quy hoạch cần phải tính toán được quy mô dân số, quy mô xây dựng nhà ở, chợ dân sinh, công viên vui chơi… Cử tri mong quy hoạch giải quyết được những vấn đề đó.
"Thực tế là thời gian qua chúng ta có làm quy hoạch nhưng chắp vá, manh mún và chất lượng kém. Việc này dẫn đến cứ đụng đến đâu, đến chỗ nào cũng có vấn đề. Gốc của vấn đề vẫn là chất lượng quy hoạch kém, tổ chức thực hiện quy hoạch không nghiêm"- Đại biểu Lâm nêu vấn đề.
Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, vấn đề đặt ra đó là cần khắc phục chất lượng quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch. Trong đó, giải pháp trước mắt đề ra là cần khắc phục những vấn đề nóng, bức xúc cho người dân như quy hoạch cấp thoát nước phải làm trước, làm khẩn trương. Vấn đề tắc đường phải giải quyết đồng bộ từ việc cấp phép xây dựng, quy hoạch đến tái định cư di dân.
"Cần lo xử lý những việc thiết thực đang là hệ lụy, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đây là những vấn đề cấp bách mà người dân mong muốn. Những điều mà chúng ta nhìn thấy trước mắt thì cần giải quyết ngay. Còn về lâu dài thì cần tính toán nâng cao chất lượng quy hoạch", ông Lâm cho hay.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn thành phố Hà Nội) cho hay, các dự án đô thị của Hà Nội được điều chỉnh quy hoạch trong thời gian vừa qua phát sinh rất nhiều bất cập như áp lực về gia tăng giao thông đô thị và áp lực lớn nhất đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực là an ninh trật tự, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội.
"Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường. Qua đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế... Gánh nặng sẽ đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có", đại biểu Trần Việt Anh nêu.
Ông cho rằng, cần có khảo sát đánh giá tác động của dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp quốc tế, các quốc gia trong khu vực đã áp dụng, đó là chính sách chuyển quyền phát triển không gian với những lợi ích và cơ chế đem lại. Đó là tái phân bổ lợi ích vượt khỏi ràng buộc về vị trí, chính quyền nắm quyền kiểm soát để ràng buộc các bên giảm áp lực và có thêm nguồn lực.