A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững kinh tế biển: Từ cam kết đến hành động

Hội nghị quốc tế "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)" vừa được tổ chức tại Hà Nội là một sự kiện quốc tế quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đặc biệt trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương và ứng phó với BĐKH.

Cần hành động nhanh, quyết liệt

Thông điệp chung từ hội nghị nhấn mạnh việc phát triển và bảo tồn các nguồn lực cho kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu, đảm bảo quản trị đại dương dựa trên quy tắc chung là rất quan trọng đối với tương lai chung của nhân loại, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, đại dương đang đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của BĐKH, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường. Bởi vậy nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc.

phat trien ben vung kinh te bien tu cam ket den hanh dong
Với bờ biển dài, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển

Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với BĐKH là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới. Cùng với đó, việc quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế. Trong đó các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ; các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý...

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững.

Tăng trưởng bền vững với kinh tế biển xanh

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cũng cho biết, đại dương đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng như thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên không bền vững. Ước tính rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương vào năm 2050. Tuy nhiên, viễn cảnh sẽ không quá tiêu cực, thậm chí tốt lên nếu các nước kịp thời hành động, thông qua các chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển.

Đề cập đến trường hợp cụ thể là Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, nếu áp dụng thành công kịch bản kinh tế biển xanh, ước tính GDP Việt Nam sẽ tăng thêm so với kịch bản thông thường (kịch bản cơ sở) lần lượt là 296.000 tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538.000 tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030. Thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng 8% so với kịch bản cơ sở.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, TS. Jeremy Hills - Trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế báo cáo Kinh tế biển xanh đã đưa ra hai kịch bản đến năm 2030. Trong đó, “kịch bản cơ sở” - phản ánh chính sách và chiến lược hiện có, đã được hoạch định của các cấp chính quyền Việt Nam trong từng lĩnh vực đến năm 2030 và “kịch bản xanh lam” - kịch bản phát triển bền vững - nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường, được thiết kế dựa trên các can thiệp khả thi theo từng lĩnh vực trong chính sách, quản trị và quản lý phù hợp nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết.

Theo đó, kịch bản xanh lam mang lại lợi ích hơn và cao hơn ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế biển so với kịch bản cơ sở. Đơn cử ước tính đến năm 2025, tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người theo kịch bản cơ sở là 147 triệu đồng, trong khi ở kịch bản xanh lam là 230 triệu đồng. Năm 2030, GNI trên đầu người theo kịch bản cơ sở là 163 triệu đồng, trong khi theo kịch bản xanh lam là 290 triệu đồng. Sự gia tăng này chủ yếu phản ánh năng suất kinh tế - tính bằng GDP - tăng lên nhờ được thúc đẩy bởi các chính sách tăng cường trong các ngành kinh tế biển trọng yếu như khai thác và nuôi trồng thủy sản, vận tải biển; du lịch biển; đầu tư vào các hệ sinh thái biển và bờ biển bền vững…

Để đạt được kịch bản này, nhiều khuyến nghị cụ thể được báo cáo đưa ra. Như đối với ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản, Việt Nam cần giảm sản lượng đánh bắt xuống mức sản lượng bền vững tối đa (~ 2,7 triệu tấn/năm), thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm. Đối với lĩnh vực dầu khí, cần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí, tăng cường bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo dựa vào nguồn lực sẵn có từ biển...

Theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đây là những khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển.

Đỗ Lê

Nguồn:

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan