A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy lợi thế cảng biển miền Nam để thu hút đầu tư nước ngoài

Đặc thù vùng miền giúp miền Nam hình thành nhiều cảng biển lớn, với tải lượng hàng hóa lên đến hàng trăm triệu tấn. Điều này góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, thông qua giao thương đường hàng hải.

Cụ thể, dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 30,32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 3,4%.

Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước ngày càng khẳng định vai trò đóng góp của mình khi có giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng 56,99 tỷ USD, tăng 17%, cao hơn mức tăng 15,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cũng trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu nên trong 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì mức xuất siêu 764 triệu USD.

Theo các chuyên gia, đặc thù vùng miền với các cảng biển lớn giúp miền Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo World Shipping Council, cảng biển ở TP.HCM có xếp thứ 26 thế giới với công suất 7,2 triệu TEU hàng hóa vào năm 2020. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, hiệu suất công suất của Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2021 đạt 68%  xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng hiệu suất cảng container toàn cầu.

Còn Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, mức tỷ lệ tăng trưởng kép ở các cảng biển miền Nam trong 5 năm từ 2017 – 2020 đạt 9,8%, với công suất hàng hóa trên dưới 10 triệu TEU/năm.

"Các cảng biển khu vực phía Nam có công suất vượt trội hơn khu vực khác. Ví dụ cảng Cát Lái (TP.HCM) có tải trọng tối đa lên đến 90.000 DWT, còn cảng Cái Mép, tải trọng tối đa lên đến 220.000 DWT, lượng hàng vận tải bằng container qua 2 cảng này cũng tăng từng năm. Đỉnh điểm năm 2021, công suất container qua cảng Cát Lái là 5.610.000 TEU còn ở cảng Cái Mép đạt 2.573.238 TEU", bà Trang Bùi đánh giá và nhận định thêm, với các số liệu trên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo nên diện mạo sáng sủa cho thị trường công nghiệp khu vực này.

Lãnh đạo một KCN trên địa bàn Đồng Nai đánh giá: “Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương này sở hữu cảng biển lớn, với mật độ hàng hóa thông qua cảng biến lên đến cả nghìn tấn, hạ tầng cũng phù hợp, nên các khu công nghiệp xung quanh sẽ phù hợp với ngành công nghiệp nặng, lọc hóa dầu, luyện kim…”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, Chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 cũng đề cao vai trò của cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Theo bà Nhi, KCN Phú Mỹ 3 liền kề cảng Cái Mép sở hữu nhiều lợi thế phát triển cả về logistic lẫn thu hút đầu tư công nghiệp nặng từ các quốc gia như Hòa Kỳ, Nhật Bản…

Theo các chuyên gia, đặc thù vùng miền hình thành nhiều cảng biển lớn với tải lượng hàng hóa cao, khi khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển nửa đầu năm nay đạt gần 370,8 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021 (theo số liệu của Cục Hàng Hải Việt Nam).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết