Những điểm sáng từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong năm mới
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Với quy mô 350.000 tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.
Gới gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội đã thông qua và được Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai vào ngày cuối cùng của năm Tân Sửu đang được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng mới được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh
Trong đó, 291.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ tài khóa với điều khác biệt, nổi bật là giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu mức thuế VAT 10%, ngoại trừ một số nhóm ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được nêu rõ trong Nghị quyết. Trong bối cảnh chi tiêu, tiêu dùng giảm suốt do dịch bệnh diễn ra, chính sách này đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi việc giảm thuế GTGT sẽ tạo phản ứng tích cực về tiêu dùng, đầu tư và cung lao động, kéo theo sản lượng gia tăng giúp phục hồi nền kinh tế.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, gói kích thích lần này có tính lan tỏa hơn, hiệu quả hơn, đi vào cuộc sống nhanh chóng và rõ ràng hơn, để làm thế nào có bước chuyển biến mới trong doanh nghiệp trong năm tới. Thứ nhất, là kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; Thứ hai là các chi tiết về hỗ trợ rõ ràng, chống trục lợi chính sách; và Thứ ba là doanh nghiệp đón nhận nhanh chóng để đưa vào sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển cho đầu tư, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Bên cạnh các hỗ trợ về thuế, chính sách tài khóa còn bổ sung một điểm quan trọng đó là các hỗ trợ liên quan đến người lao động và an sinh xã hội, theo đó hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho người thuê nhà đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ với trái phiếu phát hành trong nước cho ngân hàng chính sách xã hội, để cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Khuyến nghị về chính sách, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), Chính phủ nên tập trung vào gói an sinh xã hội để làm sao người dân nghèo có thể có thêm thu nhập, chi tiêu và hỗ trợ này có thể ở dưới dạng là những phiếu mua hàng hóa. “Bởi vì nếu bây giờ phát tiền, có thể người dân sẽ không tiêu mà giữ lại làm tiết kiệm, nhưng nếu muốn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, thì có thể phát các phiếu mua hàng hóa và chỉ những người mua hàng hóa mới được hỗ trợ. Tôi nghĩ, gói an sinh xã hội là gói tương đối quan trọng trong thời điểm hiện nay”.
Về chính sách tiền tệ, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận dòng vốn khôi phục sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trên một năm, cao nhất là 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ. Dòng vốn giá rẻ này được nhiều doanh nghiệp ví von sẽ như một “dòng máu” tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi.
TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, hiện nay ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay được, mà phải có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Gói hỗ trợ lần này, nếu như thực hiện được sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm chi phí rẻ để thúc đẩy sản xuất, nhưng yêu cầu là Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tốt được cung tiền.
Thêm một điểm đáng chú ý của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là dành 176.000 tỷ đồng chi cho phát triển với đa phần là đầu tư mới cho hạ tầng giao thông, sẽ có tác động kích thích đầu tư để phục hồi tăng trưởng. Chương trình này có quy mô lớn nhấ,t bởi vì nó tác động trong trung hạn, tăng chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm triệt để các nút nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình liên vùng đang không triển khai được vì thiếu nguồn lực, thiếu vốn.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021, 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19; 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó; 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng... Trong số 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% thì phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm có quy mô vốn nhỏ. Gói hỗ trợ của Chính phủ theo đó là sự hỗ trợ kịp thời, cần đúng, trúng như miễn giảm thuế, phí, lãi suất ngân hàng và các vấn đề bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, điểm nổi bật ở gói hỗ trợ này được nhiều chuyên gia đánh giá là có vai trò then chốt phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế, chính là chuẩn bị một nguồn lực đáng kể cho công tác phòng chống dịch bệnh lên tới 60.000 tỷ đồng, trong đó có 14.000 tỷ đồng để xây dựng đầu tư mới cho cơ sở hạ tầng y tế và 40.000 tỷ đồng để nhập khẩu vaccine, thuốc, thiết bị y tế. Điều quan trọng là, năm 2022, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để mua vaccine và thuốc chữa COVID-19, tạo sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, tất cả những khó khăn lần này đều xuất phát từ cái gốc là dịch bệnh, cho nên giải quyết phải giải quyết căn bản từ gốc, mà trọng tâm chính là y tế.
Các chuyên gia cùng chung đánh giá, chương trình lần này có nhiều điểm sáng là xác định tương đối rõ nét đối tượng, quy mô, không dàn trải hay chung chung như các chương trình hỗ trợ trước đây; quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng chịu tác động mạnh như dịch vụ, hoạt động vận tải, du lịch, người lao động. Đồng thời có đánh giá tương đối cụ thể về tác động của chương trình với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng nợ công, thâm hụt ngân sách,...