Nga cảnh báo giá khí đốt châu Âu ‘tăng sốc’ vào cuối năm
Theo Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, giá khí đốt châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh từ giờ đến cuối năm, có thể lên tới 5.000 euro/1.000 m3 trên thị trường giao ngay trước khi có xu hướng giảm.
"Gửi các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Liên quan đến việc tăng giá khí đốt lên 3.500 euro/1.000m3, tôi buộc phải tăng dự báo giá lên 5.000 euro/1.000m3 vào cuối năm 2022. Trân trọng!", ông Medvedev đăng trên Telegram hồi cuối tuần qua.
Thông báo của ông Dmitry Medvedev được đưa ra trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên của châu Âu trên đà hướng tới mức đỉnh do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Mới đây, lần đầu tiên kể từ tháng 3, giá khí đốt tương lai ở thị trường châu Âu vượt quá 3.500 euro/1.000m3 trong phiên giao dịch ngày 27/8, theo dữ liệu từ Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London. Hiện giá khí đốt đang được giao dịch ở mức 3.329 euro/1.000m3.
Dòng khí đốt từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của châu Âu, đã sụt giảm mạnh trong năm nay, sau khi Ukraine khóa van một đường ống trung chuyển khí đốt chạy qua lãnh thổ.
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã liên tục siết khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc tới Đức với lý do hạn chế về các vấn đề kỹ thuật trong công tác bảo trì và do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.
Kể từ ngày 27/7, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chỉ hoạt động với khoảng 20% công suất tối đa do hai tuabin khí ngừng hoạt động.
Mới đây, Gazprom thông báo rằng nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ bị ngừng hoàn toàn từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống.
Tập đoàn này hồi giữa tháng 8 cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu xu hướng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục kéo dài giá khí đốt thiên nhiên sẽ vượt 4.000 USD/1.000 m3 trong mùa đông này.
Nhà phân tích Thibault Spirle từ Daily Express cho rằng EU hiện đang lo lắng trước viễn cảnh Nga có thể “giáng đòn chí mạng” bằng cách gia hạn việc đóng cửa Dòng chảy phương Bắc trong thời gian lâu hơn hoặc vĩnh viễn.
Ở động thái liên quan, trong tuyên bố đưa ra ngày 26/8, ông Medvedev nói rằng Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu với khối lượng như hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào chính các nước châu Âu.
Ông Medvedev nhấn mạnh rằng nếu "các khoản thanh toán bị cấm, việc giao các tuabin đã sửa chữa hoặc khởi động đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 bị từ chối thì nguồn cung cấp có thể sẽ không đạt khối lượng như các nước phương Tây mong đợi".
Xem thêm >> Dốc tiền vào cổ phiếu dầu khí, tỷ phú Warren Buffett ‘lãi đậm’