A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loạt doanh nhân bị bắt: Làm gì để ngăn chặn những người tài thành "củi"?

Theo TS Nguyễn Viết Chức, việc khởi tố, bắt giam các quan chức, doanh nhân thời gian gần đây sẽ làm vững mạnh nền kinh tế, được các nhà đầu tư chân chính đồng tình.

- Gần đây, một số doanh nhân nổi tiếng như: Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Thị Thanh Nhàn… “vào lò”. Với góc nhìn của một người nguyên là Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

TS Nguyễn Viết Chức: Rõ ràng điều ấy thể hiện việc chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, bởi vì những doanh nhân này cũng có công lao đóng góp cho xã hội và khi xử lý họ phải cân nhắc rất kỹ.

Đây là một cuộc đấu tranh kiên quyết, có ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Nhưng không phải vì ảnh hưởng mà không thực hiện nghiêm theo pháp luật.

Bất kỳ ai, từ quan chức, doanh nhân, nghệ sĩ, người có tên tuổi trong xã hội… nhưng khi họ mắc sai phạm thì dứt khoát phải xử lý. Đây là tinh thần quyết liệt phòng chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần trong sạch Đảng, trong sạch xã hội, đất nước.

- Nhiều ý kiến lo ngại sẽ có những hệ lụy như tâm lý hoang mang của giới doanh nhân, lo lắng của nhà đầu tư… khi các doanh nhân đình đám bị khởi tố, bắt giam, thưa ông?

Thứ nhất, tôi cho rằng những người làm ăn chân chính sẽ không hoang mang, thậm chí còn đồng tình.

Thứ hai, nếu ảnh hưởng tại sao bây giờ nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vẫn tăng mạnh? Tôi cho rằng càng xử nghiêm các vụ việc nêu trên thì nhà đầu tư nước ngoài, những người làm ăn chân chính lại càng tin tưởng và sẵn sàng đầu tư mạnh hơn.

Việc này cũng cảnh tỉnh những ai đang làm ăn theo kiểu hối lộ, đút lót. Ai sai phạm thì vẫn phải xử lý, hôm nay chưa kịp xử lý thì ngày mai, không thể sai mãi được.

Tôi nhìn vấn đề theo chiều hướng tích cực nhiều hơn tiêu cực. Việc kiên quyết của Đảng và Nhà nước là xây dựng Đảng, xã hội trong sạch vững mạnh, đây là nền tảng cho việc phát triển bền vững, những việc làm mạnh tay vừa qua là cực kỳ đúng đắn.

- Theo ông, việc bắt các ông chủ doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước?

Tất nhiên, tôi cho rằng việc này có ảnh hưởng, nhưng không thể đổ vỡ nền kinh tế. Dù có bị thua thiệt, ảnh hưởng trong một thời gian ngắn nào đó, nhưng không thể cho phép tồn tại những hiện tượng vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền phải là như vậy.

Thứ hai, muốn trong sạch Đảng, trong sạch xã hội thì những hành vi, vi phạm pháp luật phải được xử lý. Không thể có tư duy cân đo, đong đếm nếu làm bị thiệt hại cái này, thiệt hại cái kia thì không làm.

Thứ ba, dù doanh nghiệp đó lớn đến đâu cũng không thể lớn bằng nền kinh tế của đất nước được. Kinh tế của đất nước còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là phụ thuộc vào toàn thể nhân dân. Mỗi người có thể đóng góp 1 đồng thôi, nhưng mà cả trăm triệu dân thì sẽ khác.

Thứ tư, tôi cho rằng muốn phát triển kinh tế bền vững thì những kiểu làm ăn lách luật, vi phạm pháp luật đều phải trừng trị và có biện pháp xử lý.

- Như vậy, việc khởi tố hàng loạt quan chức, doanh nhân lớn có khiến người dân thêm niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng…

Tôi khẳng định lại một lần nữa rằng niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng chắc chắn được tăng lên, bởi ngay cả những cán bộ cao cấp, doanh nhân lớn như vậy vẫn bị xử lý.

Một số người vẫn chưa xác định được phải sống, làm ăn kinh tế theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì cần phải nhận thức lại. Rõ ràng, xử lý nghiêm minh thì tốt hơn là giấu giếm.

- Cần kiểm soát thế nào để vừa phòng chống tham nhũng mạnh mẽ ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân?

Tôi cho rằng việc xử lý vẫn phải xử lý và việc khuyến khích vẫn phải khuyến khích. Đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Cá nhân, doanh nghiệp dù là nhà nước hay tư nhân mà vi phạm cũng phải xử lý.

Một người sống trong xã hội mà chỉ biết chăm chăm thu lợi về mình gây ra thiệt hại cho xã hội là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt với những người có danh tiếng. Người ta nói là “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Tôi thấy rất lãng phí, phí ở đây là phí cho cả xã hội và phí cho cả bản thân người đó.

- Nhiều ý kiến nói có những doanh nghiệp là “sân sau” của quan chức, người nhà quan chức nên mới được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi vậy?

Tôi cũng lưu ý một điều là chúng ta đang khuyến khích những quan chức phải gần gũi, thân thiện với doanh nhân. Nhưng gần gũi, thân thiện là để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn chứ hoàn toàn không phải là tìm kiếm “sân sau” để biến những lợi ích của quốc gia thành lợi ích nhóm.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đang họp, chắc chắn sẽ bàn để có thêm những biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả và kịp thời, không để những hiện tượng này tồn tại lâu.

- Như ông chia sẻ thì quan chức cũng cần gần gũi và thân thiện với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho họ phát triển một cách lành mạnh. Làm thế nào để quan chức và doanh nghiệp thân thiện là mối quan hệ lành mạnh chứ không phải cấu kết với nhau thành mối quan hệ “cánh hẩu”, “sân sau”?

Tôi cho rằng phải coi doanh nghiệp là những người bạn, không gây khó dễ buộc họ phải “bôi trơn”. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng không có nghĩa là biến doanh nghiệp thành “sân sau”, thành ra một “cánh hầu” của mình.

Giữa việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và lợi ích nhóm chỉ cách nhau bằng một sợi tóc nên việc này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn phải thực sự có năng lực, trung thực, bản lĩnh. Làm sao để đào tạo một thế hệ doanh nhân Việt Nam có năng lực, trình độ không phải bằng cách quan hệ, hối lộ.

Chúng ta đang khuyến khích và động viên các doanh nghiệp trong đổi mới, phát triển kinh tế tạo ra một thế hệ, đội ngũ doanh nhân thật sự có tài, có thể ra biển lớn để kinh doanh một cách trung thực, văn minh chứ không phải là bằng quan hệ, hối lộ.

Về nguyên tắc các quan chức bây giờ muốn đất nước phát triển phải có quan hệ thân thiện, tốt đẹp đối với các doanh nghiệp. Nhưng đã là “sân sau” là vi phạm luật pháp thì không thể gọi là quan hệ tốt đẹp, đó là quan hệ lợi ích nhóm, cần phải xử lý.

- Cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều cam go, bởi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn, thưa ông?

Bây giờ chúng ta đang làm rất nhiều việc để phòng chống tham nhũng.

Về luật pháp, chúng ta đã có Luật Phòng chống tham nhũng; các quy định của Đảng như trách nhiệm nêu gương, sàng lọc sạch đội ngũ trong Đảng rồi các nghị quyết khác liên quan đến việc phòng chống tham nhũng.

Tới đây về mặt tổ chức đang nghiên cứu thành lập những cơ quan phòng chống tham nhũng của các địa phương. Việc này gắn liền với việc tu dưỡng của đảng viên, cũng là một cách nâng cao năng lực trình độ của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn phải bằng luật pháp không phải bằng quan hệ, tiền tệ, hối lộ. Ở đâu trên thế giới cũng tồn tại nhiều vấn đề, cái tốt và cái xấu luôn luôn đan xen, nhưng tôi tin rằng cái tốt sẽ thắng, không để cái xấu hoành hành mãi được.

- Bài học chung cho các doanh nhân sau khi hàng loạt đại gia “ngã ngựa” và cần có biện pháp nào để ngăn chặn những người tài thành “củi”?

Bài học lớn nhất là phải sống trung thực, sống theo đạo lý và pháp luật. Không có bàn tay nào có thể che khuất mặt trời, đừng lợi dụng vào mối quan hệ nào đó và nghĩ rằng mình có thể làm trái pháp luật.

Xã hội, đất nước muốn phát triển ổn định, phồn thịnh phải duy trì thượng tôn pháp luật mới có thể bền vững được. Đã là công dân phải làm đúng theo pháp luật, đã là doanh nghiệp phải tôn trọng và thực thi bài bản theo Luật Doanh nghiệp.

Nếu cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện đúng luật cuối cùng sẽ gánh hậu quả lớn.

Đó là bài học lớn nhất!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan