A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022): Cách viết báo của Bác

Trong hành trình tìm đường cứu nước của mình (1911-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến các thư viện để đọc sách báo, đặc biệt là Thư viện quốc gia Pháp và Thư viện Đại học Phương Đông, Thư viện Trường Quốc tế Lênin, Thư viện Viện nghiên cứu dân tộc và thuộc địa (Liên Xô).

Cứ có thời gian rảnh là Người lại đọc sách báo, thậm chí đọc đến nửa đêm. Sau này, nói chuyện với cán bộ, Người chia sẻ: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc… Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Về kỹ năng chụp ảnh minh họa cho báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tâm sự với nghệ sĩ nghiếp ảnh Kim Côn: “Năm xưa khi đến Paris, ở tại số nhà 9 ngõ Compoint, Bác kiếm sống bằng nghề thợ ảnh để hoạt động cách mạng”. Nói rồi Người chậm rãi kể cho ông Kim Côn nghe: “Cụ Phan Châu Trinh là người dẫn Bác đến học nghề ảnh với ông Khánh Ký, vốn người làng Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội, một nhiếp ảnh gia hàng đầu tại Paris, chẳng bao lâu sau Bác đã làm thành thạo, từ khâu chụp, buồng tối, đến chấm sửa phim ảnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Ảnh: Tư liệu

Ngày 16/4/1959 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm, nói chuyện và chia sẻ những kinh nghiệm làm báo của mình tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam. Người chia sẻ: “Có đồng chí hỏi kinh nghiệm làm báo của Bác. Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Còn học thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân. Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết báo ấy có mục “tin tức vắn”, mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn. Mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác cố viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa.... Cứ thế kéo dài đến 15, 20 dòng, rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: “Thôi, bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn”…”.

Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”[1]. Người đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Theo thống kê, Người có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh, trong số này, 2/3 được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình.

Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[2] và nhấn mạnh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”[3]. Do đó, Người khẳng định: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”[4].

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 465

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616

[4] Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 466


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan