Không để lãng phí tài sản công khi sáp nhập các tỉnh
Cuộc sắp xếp bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đang được đẩy nhanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt chú ý xử lý tài sản công sau khi sáp nhập...
Trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Đông Hà bỏ hoang 10 năm, nay phải đập bỏ vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: H.Thơ
Chú ý xử lý tài sản công sau sáp nhập
Dự kiến, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (dự kiến ngày 16.4). Chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành từ ngày 1.7, cấp tỉnh vận hành sau ngày 30.8.
Trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Ngày 6.4, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt chú ý việc xử lý tài sản công sau khi sáp nhập các địa phương.
Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, có 190 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện quản lý đã được phê duyệt phương án sắp xếp nhưng chưa thực hiện hoặc phương án sắp xếp chưa phù hợp nên không thực hiện được; có 73 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện quản lý chưa được phê duyệt phương án sắp xếp.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 224/KH-UBND về xử lý đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Tại Cần Thơ, địa phương yêu cầu rà soát các công trình dừng thi công, đặc biệt là trụ sở sử dụng không hiệu quả, để tham mưu xử lý dứt điểm. Các đơn vị cần căn cứ kết quả kiểm kê tài sản công, sớm đề xuất UBND thành phố hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền nhằm tránh lãng phí.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được yêu cầu Sở Tài chính rà soát toàn bộ tài sản công trên địa bàn. Tài sản còn nhu cầu thì tiếp tục sử dụng, tài sản không còn nhu cầu phải đề xuất xử lý, có thể bán đấu giá để tạo nguồn thu đầu tư. Với tài sản của bộ, ngành Trung ương sử dụng không hiệu quả, TP sẽ kiến nghị bàn giao lại để phục vụ phát triển.
Ưu tiên trung tâm hành chính có sẵn, hạn chế xây mới
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, sắp xếp tài sản công sau khi các cơ quan ổn định tổ chức bộ máy là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nữ đại biểu nhấn mạnh quan điểm, phải tiết kiệm tối đa nguồn lực vật chất là tài sản công, trụ sở công sau sáp nhập.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phạm Đông
Đại biểu Đoàn Hải Dương cho rằng, cần tận dụng tối đa cơ sở vật chất và trụ sở đã có để tránh lãng phí nguồn lực. Khi xác định trung tâm hành chính mới, điều quan trọng phải tính toán đến yếu tố tầm nhìn, đầu tư thế nào, đặt trung tâm ở đâu để có sự phát triển tốt nhất cho tỉnh đó, vùng đó.
Đặc biệt, với cấp tỉnh sau sáp nhập, nên ưu tiên chọn những trung tâm hành chính đã có sẵn hiện nay. Ngược lại, cần hạn chế xây dựng trụ sở mới, vì như vậy sẽ rất lãng phí và tốn kém. Đầu tư xây dựng trung tâm mới sau sáp nhập là vạn bất đắc dĩ.
Theo đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định), với các trụ sở dôi dư cấp huyện, xã, cần ưu tiên sử dụng vào phục vụ cho lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là những lĩnh vực đang rất thiếu, cần được ưu tiên để phục vụ tốt nhất cho người dân. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, lĩnh vực y tế cơ sở càng cần được coi trọng, ưu tiên.
Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: Quochoi.vn