Hungary phản đối tới cùng, EU khó triển khai gói viện trợ 19 tỷ USD cho Ukraine
Vấp phải sự phản đối của Hungary, Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ tín dụng vĩ mô mới cho Ukraine với số tiền lên tới 18 tỷ euro (gần 19 tỷ USD) cho năm 2023 trong cuộc họp ngày 6/12, theo thông báo của Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Czech Zbynek Stanjura.
“Thật không may, chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ”, ông Stanjura ra tuyên bố sau cuộc họp ngày 6/12.
Đại diện của Cộng hòa Czech, chủ tịch luân phiên của EU, khẳng định sẽ cố tìm cách để 26 quốc gia còn lại vượt qua sự phản đối của Hungary và cung cấp viện trợ tài chính cho Kiev.
"Mục tiêu vẫn giữ nguyên, sẽ bắt đầu giải ngân viện trợ cho Ukraina vào đầu tháng 1/2023", Bộ trưởng Stanjura tuyên bố.
Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihály Varga sau đó cũng xác nhận nước này đã phủ quyết khoản vay trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine tại cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế và tài chính EU ở Brussels.
Việc triển khai khoản vay cho Ukraine sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn nếu không có sự chấp thuận của Budapest.
Hungary cũng phủ quyết nỗ lực về áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn EU.
Quyền phủ quyết của Hungary đã khiến các bộ trưởng tài chính của liên minh phải trì hoãn 3 cuộc bỏ phiếu quan trọng khác, bao gồm cuộc bỏ phiếu về một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm cải cách thuế doanh nghiệp.
Đề cập tới động thái này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, cho biết: "Ukraine là một quốc gia đang có chiến tranh, họ rất cần sự hỗ trợ của chúng tôi và chúng tôi không thể cho phép một quốc gia thành viên trì hoãn và làm hỏng sự hỗ trợ tài chính này của EU”.
Trước đó, ngày 9/11, Ủy ban châu Âu đã đề xuất gói hỗ trợ tín dụng tài chính vĩ mô mới cho Ukraina với số tiền lên tới 18 tỷ euro cho năm tới.
EU sau đó lưu ý họ muốn chuyển khoản tiền đầu tiên vào tháng 1. Tuy nhiên, việc phân bổ tiền từ hỗ trợ tài chính vĩ mô này cần có sự chấp thuận của các nước EU và Nghị viện châu Âu.
Gói hỗ trợ tài chính vĩ mô mới, theo ý tưởng của EU, sẽ bao gồm các khoản vay được phát hành theo các điều khoản ưu đãi với thời hạn lên tới 35 năm. Thời gian ân hạn được cung cấp trong 10 năm đầu tiên, nghĩa là khoản thanh toán khoản vay đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2033.
Gói hỗ trợ tài chính này "sẽ giúp trang trải một phần đáng kể nhu cầu tài chính ngắn hạn của Ukraina cho năm 2023, theo ước tính của chính quyền Ukraina và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dao động từ 3 đến 4 tỷ euro mỗi tháng", Ủy ban châu Âu lưu ý.
EU cho biết khoản hỗ trợ này sẽ đi kèm với các cải cách trong nước nhằm tăng cường hơn nữa pháp quyền, các biện pháp chống gian lận và chống tham nhũng.
Xem thêm >> Bị áp trần giá dầu, Nga nói ‘chẳng có gì ghê gớm’