A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh

Hệ thống giao thông thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước hiệu quả, minh bạch; góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiêm môi trường, giảm chi phí đi lại và vận hành; cung câp dịch vụ chất lượng, thuận tiện cho người dân

Ngày 3/12, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 đã diễn ra hội thảo: Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững.

Giải pháp triệt để giải quyết ùn tắc, ô nhiễm

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đỗ Việt Hải cho biết: Đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tàng và là một trong các trụ cột chính của Thành phố thông minh.

Với quy mô diện tích của thành phố khoảng 3.358,6 km2 và dân số của thành phố là khoảng trên 8 triệu người, Hà Nội được xác định là một trong những thành phố có nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa rất lớn.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đỗ Việt Hải phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ùn ứ thường xuyên tại các nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây mất an toàn giao thông, ô nhiêm môi trường,...

“Đó là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông. Đó chính là nội hàm của hệ thống giao thông thông minh, xu hướng phát triển của tất cả các hệ thống giao thông các nước”, ông Nguyễn Việt Hải nhận định.

Cũng theo ông Hải, trong những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong giải pháp này như giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một sô ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus,... Đây là những tiền đề đầu tiên đề triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS trong thành phố.

Từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đỗ Việt Hải chia sẻ: Theo kinh nghiệm thế giới thì việc phát triển hệ thống ITS được hình thành phát triển qua 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn kiện toàn hình thành; giai đoạn mở rộng và phát triển và giai đoạn phát triển bền vững.

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố kết hợp với ý kiến góp ý của 3 tập đoàn lớn (VNPT; Viettel; FPT) đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn.

Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh

Quang cảnh hội thảo

Trong giai đoạn đầu tiên (2025-2027), thành phố hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà nội, trong đó có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh khai thác 9 chức năng, bao gồm: Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công chính; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công chính. Lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); Hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn tại 55 nút giao trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm.

Trong giai đoạn 2 (2028-2030), thành phố tiếp tục hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); Mô phỏng giao thông).

Trong giai đoạn 3 (sau năm 2030), nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực. Tiếp tục mở rộng phạm vi, vùng hoạt động trên toàn địa bàn thành phố và duy trì hoạt động đủ 12/12 chức năng chính kết hợp cập nhật, bổ sung các chức năng mới theo yêu cầu.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đỗ Việt Hải, người dân là đối tượng hưởng lợi chính của toàn bộ đề án. Hệ thống giao thông thông minh đem lại cho người dân chất lượng dịch vụ tốt hơn, năng cao vai trò người dân trong tham gia vào công việc quản lý, điều hành giao thông thành phố. Người dân được đảm bảo nhận biết thông tin đầy đủ về hệ thống giao thôn, người dân được tương tác với cơ quan quản lý, cung cấp thông tin giao thông, phản ánh các sự cố, đề nghị trợ giúp, ...

Còn đối với doanh nghiệp, ông Hải cho rằng: Hệ thống giao thông thông minh giúp các doanh nghiệp vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa, sản phẩm nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí,... Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh tạo ra nguồn dữ liệu số mới, khổng lồ, là nguồn tài nguyên mới cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan