A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc nhìn: “Giải cứu” nông sản, vì đâu nên nỗi?

Người tiêu dùng đã xếp hàng mua bánh mì thanh long thì chắc không hẳn vì “giải cứu”.

Do ảnh hưởng của dịch cúm virus Covid 19, hàng hóa ứ đọng, không xuất qua thị trường Trung Quốc được; khắp các tỉnh thành trong cả nước lại rộ lên vấn đề "giải cứu" trái cây cho nông dân Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên cần phong trào "giải cứu". Hầu như cứ cách 1-2 năm, khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề là những phòng trào này lại xuất hiện, dần dần trở thành một tiền lệ hết giải cứu dưa hấu, thanh long, xoài, nhãn… rồi lại đến trứng gà và thậm chí là hàng cao cấp như tôm hùm.

Cách đây 5 năm, thanh long Bình Thuận có thời điểm chỉ có 2.000 đồng/kg và phải đổ cho bò ăn, đổ đầy ngoài đường vì không có đầu ra. Trung Quốc không thu mua dẫn đến khó khăn cho người nông dân, kinh tế của tỉnh nhà cũng gặp khó khăn theo. Khi đó tôi đã chia sẻ những vấn đề này cùng TS. Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ suy nghĩ của mình.

Đó là, với một thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như hiện nay, nhất là những loại trái cây rất giàu chất dinh dưỡng, giàu các loại vitamine và bổ dưỡng mà chỉ có ở Việt Nam, nhưng chúng ta lại yếu trong việc tận dụng để chế biến thành những loại nước uống hàng ngày cho chính chúng ta dùng, mặt khác nhằm giúp cho nông dân có một thị trường đầu ra ổn định, trong khi mặt hàng tương tự này nhập về cũng không ít.

Điều này rất quan trọng đối hàng chục triệu người nông dân của đất nước mình, điều quan trọng hơn là giúp hơn 90 triệu dân cả nước là người tiêu dùng được sử dụng những loại thực phẩm chất lượng cao ngay chính tại đất nước chúng ta, có thể thay thế được các loại nước uống khác không có chất lượng tương ứng trên thị trường hoặc thậm chí không tốt cho sức khỏe.

Tôi nhận được sự đồng cảm của TS. Nguyễn Văn Lạng và được anh ủng hộ, tán thành những suy nghĩ đó.

Tôi biết muốn làm thay đổi được những điều đó không đơn giản chút nào. Từ việc phải đầu tư công nghệ, đến việc để cho người dân chúng ta nhận thức được các vấn đề đó và cho họ thay đổi được thói quen tiêu dùng (thích hàng ngoại) thì quả thực không đơn giản chút nào.

Chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, làm trong lĩnh vực hàng công nghiệp phụ trợ, tuy nhiên, câu chuyện với TS. Lạng khiến tôi đau đáu và cũng thực sự bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và kỳ vọng với sức nhỏ của mình sẽ làm bằng được một sản phẩm đồ uống có dùng nguyên liệu là trái cây của Việt Nam.

Hai năm sau cuộc trò chuyện trên, tôi đã cho ra đời sản phẩm Meet More coffee hòa tan trái cây (không phải hương vị trái cây) mà là trái cây như dừa, mít, khoai môn, xoài, trái nhàu… đã được đưa vào cà phê hòa tan bằng phương pháp kỹ thuật chế biến, trở thành một thức uống hàng ngày cho giới trẻ, cho những người không uống được cà phê nặng và trở thành một món đồ uống mới trên thị trường.

Một điều rất đáng mừng, khi sản phẩm này được giới thiệu với người tiêu dùng  ở nước ngoài thì họ chấp nhận rất nhanh. Vì có thể họ thường uống cà phê rất nhẹ, thích hương vị các loại trái cây và đặc biệt thích chính giá trị dưỡng chất của nó mạng lại cho sức khỏe con người.

Thành công bước đầu này khiến tôi rất vui vì ít nhiều đã làm được việc mà bấy lâu nay tôi thực sự đau đáu trong lòng.

Quay trở lại việc giải cứu như hiện nay, có đầu mối sản xuất bánh mì đưa thanh long vào sản phẩm. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng và cách làm này. Người tiêu dùng đã xếp hàng mua bánh thì tôi chắc cũng không hẳn vì "giải cứu", mà do sự hấp dẫn của sản phẩm thực sự mới này mà chưa bao giờ có cơ hội được thưởng thức trước đó.

Vấn đề tôi đề cập ở đây là phong trào "giải cứu" rất tốt, thể hiện tấm lòng tương thân tương ái của người Việt. Tuy nhiên chúng ta đang làm những việc tự phát và sẽ không có tính bền vững.

Rất mong muốn làm sao có nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành quan tâm nhiều hơn về vấn đề này để biến thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam thực sự mạnh mà không còn cần phải giải cứu, không còn phải lệ thuộc vào một thị trường mà quay lại phục vụ thật tốt chính thị trường của Việt Nam cũng như lan tỏa trên nhiều thị trường khác dưới hình thức đa dạng sản phẩm hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan