Giám sát tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ
Đại biểu Quốc hội góp ý cần tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ các cấp cũng như việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
Sáng 30-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2025; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Nên giám sát về sử dụng nguồn nhân lực
Ủy ban Thường vụ QH đã lựa chọn 2 chuyên đề giám sát để trình QH xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao. Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại biểu (ĐB) QH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) góp ý nên chọn chuyên đề 2 bởi theo ông, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực là gốc rễ của mọi vấn đề. Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng "Cán bộ là gốc của mọi công việc", ông Vân nhấn mạnh: "Nếu chọn chuyên đề bảo vệ môi trường mà không giải quyết rốt ráo vấn đề cán bộ, nhân lực thì cũng không có ý nghĩa".
Phân tích thêm về chuyên đề giám sát nguồn nhân lực, ĐB Vân cho rằng cần tập trung vào 2 nhóm đối tượng gồm: nhóm lành nghề, thạo việc và nhóm nhân tài. Với nhóm nhân tài, ĐB Vân chia thành nhân tài trong lãnh đạo, nhân tài trong quản lý, nhân tài là chuyên gia, nhân tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và nhân tài trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục. "Cần và phải giám sát việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đối xử như thế nào đối với nhân tài. Tôi đã từng đề nghị QH tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, trước hết cán bộ ở cấp trung ương và rường cột ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu làm được sẽ tạo sự chuyển biến rất căn bản cho cả hệ thống chính trị" - ĐBQH đoàn Cà Mau góp ý.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị QH từ năm 2025 cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Lý do là bởi theo báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng như kiến nghị của nhiều cử tri, ở địa phương vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. "Phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn; làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ; bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt; tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước" - ĐB Xuân đặt vấn đề và cho rằng cần có một cuộc "đại cải cách" về thủ tục hành chính.
Cấm triệt để thuốc lá điện tử
Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhận xét những nội dung liên quan y tế và sức khỏe còn quá ít. ĐB Trí đề nghị QH sớm sửa Luật Phòng chống tác hại thuốc lá theo quy trình rút gọn ở kỳ họp thứ 8. "Tại phiên giải trình gần đây, Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban Xã hội của QH đã cơ bản thống nhất cấm triệt để việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc lá mới ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng việc cấm triệt để thuốc lá mới ở Việt Nam là lựa chọn duy nhất đúng" - ĐB Trí nêu rõ.
Từng kiến nghị QH đưa việc quản lý thuốc lá điện tử vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng trong dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 vẫn thiếu vắng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) thẳng thắn nói: "Phản ứng chính sách của chúng ta rất chậm!". Vì tương lai của thế hệ trẻ, ĐB Chung bày tỏ mong muốn dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sớm được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; có thể áp dụng quy trình xem xét, thông qua trong một kỳ họp.
Dự kiến, ngày 8-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Đề nghị ban hành nghị quyết giảm thuế GTGT
Ủy ban Thường vụ QH đồng ý đề nghị QH bổ sung dự thảo Nghị quyết của QH về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024 vào chương trình kỳ họp thứ 7. Đồng thời, đồng ý trình QH xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình năm 2024; trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, đề xuất điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024, thay vì từ 1-1-2025, đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở.
Ủy ban Thường vụ QH chưa đồng ý trình bổ sung dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở tại kỳ họp này.