A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gấp rút xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh

Hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những năm qua, chính sách này đã phát huy vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, kịp thời động viên, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường.

Hiệu quả tích cực từ chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh

Thực tiễn triển khai hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia (DTQG) cho các em học sinh cho thấy, chính sách này đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với các em học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ý nghĩa hơn, chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường, các em học sinh và các thầy cô giáo yên tâm học tập, giảng dạy; giảm bớt gánh nặng, áp lực về nhu cầu lương thực cho gia đình các em; giúp nhà trường duy trì sỹ số học sinh đến lớp; thể chất và thể trạng của học sinh được nâng cao rõ rệt, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển không đồng đều giữa các vùng miền trên cả nước.

Công tác xuất gạo hỗ trợ học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước giao cho ngành Dự trữ Nhà nước. Xác định rõ nhiệm vụ “sứ mệnh” được giao, những năm qua, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Dự trữ Nhà nước luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gạo kịp thời đến tận tay các em học sinh trong năm học mới.

Việc xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ cho các địa phương luôn được ngành Dự trữ Nhà nước tuân thủ theo nguyên tắc kịp thời, đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh. Gạo DTQG khi xuất cấp cho học sinh đều bảo đảm chất lượng theo quy định. Trước và trong quá trình xuất cấp, gạo đều được kiểm tra kỹ lưỡng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ở mỗi điểm giao nhận gạo, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo để đánh giá chất lượng kiểm tra thực tế các bao gạo giao - nhận, trên cơ sở đó các đơn vị trong ngành Dự trữ Nhà nước tiến hành lập biên bản giao - nhận với địa phương theo quy định.

Trong quá trình triển khai công tác xuất gạo DTQG, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra, giám sát quá trình phân bổ, quản lý, sử dụng gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh tại các địa phương đảm bảo đúng đối tượng, mục đích và quy định của pháp luật.

Xuất cấp hơn 37.555 tấn gạo hỗ trợ học sinh học kỳ 1 năm học 2022 - 2023

Để phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, cũng như triển khai thực hiện xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023, ngày 9/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BTC giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 14/9/2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Quyết định số 571/QĐ-TCDT giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất hơn 37.555 tấn gạo DTQG để hỗ trợ gần 530.000 học sinh của 42 tỉnh, thành phố trong học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Thời hạn hoàn thành giao nhận gạo đến ngày 31/12/2022.

Theo quyết định số 1845/QĐBTC của Bộ Tài chính, các em học sinh ở tỉnh Sơn La được nhận số lượng gạo nhiều nhất với trên 4.344 tấn gạo, tiếp đến là các tỉnh: Điện Biên với trên 4.039 tấn; Hà Giang trên 4.249 tấn; Lào Cai trên 2.542 tấn; Cao Bằng trên 2.587 tấn; Lạng Sơn trên 2.365 tấn; Lai Châu trên 1.855 tấn; Nghệ An trên 1.439 tấn…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp gạo cho học sinh các địa phương, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có văn bản đề nghị với UBND các tỉnh, thành phố sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo để kịp thời giao gạo cho các em học sinh thuộc các đối tượng được hỗ trợ.

Đồng thời, các Cục Dự trữ Nhà nước phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương thực hiện việc giao, nhận gạo DTQG hỗ trợ học sinh đảm bảo đúng đối tượng; số lượng gạo đề nghị tiếp nhận phù hợp với nhu cầu thực tế để hạn chế tình trạng đã tiếp nhận nhưng không phân bổ, sử dụng hết.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước lưu ý, việc xử lý số lượng gạo DTQG đã tiếp nhận nhưng không sử dụng hết đề nghị các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện theo hướng dẫn tại khoản c, mục 5 của Văn bản số 15777/BTC-TCDT ngày 4/6/2016 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp UBND các tỉnh, các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo DTQG hỗ trợ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình phân bổ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản gạo đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định.

Trong quá trình giao, nhận gạo, các bên phối hợp thực hiện lập biên bản giao, nhận gạo theo đúng mẫu biên bản quy định; tổ chức lấy mẫu gạo và thống nhất niêm phong mẫu gạo, có xác nhận của các bên. Mẫu gạo được lưu giữ, quản lý, bảo quản tại bên giao, bên nhận để đối soát.

Như vậy, việc xuất gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023 đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước gấp rút triển khai theo Quyết định số 1845/QĐBTC của Bộ Tài chính. Việc triển khai chính sách này đã phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình, nhà trường, các cấp chính quyền địa phương, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo công tác an sinh xã hội ở các địa phương được thụ hưởng chính sách.

*Theo Thùy Linh - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết