Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối gặp khó khăn, vướng mắc gì?
Dù đã đạt được nhiều kết quả song Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, khối lượng công việc còn nhiều và các dự án vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.
Kết quả tích cực
Theo cáo báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia , với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đến nay 4 dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác đấu thầu, các dự án có tổng cộng 226 gói thầu, gồm: 93 gói thầu xây lắp móng cột, lắp dựng cột; 75 gói thầu cung cấp cột thép; 36 gói thầu cung cấp dây dẫn, cáp quang; 17 gói thầu cung cấp cách điện và phụ kiện; 05 gói thầu cung cấp vật tư thiết bị nhất thứ, nhị thứ, kháng điện và phụ kiện. Đến nay đã hoàn thành ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu, còn 01 gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án Quảng Trạch – Quỳnh Lưu đang xử lý tình huống trong đấu thầu, dự kiến hoàn thành ký hợp đồng trong tháng 03/2024.
Về giải phóng mặt bằng, đến nay, các địa phương đã hoàn thành bàn giao 100% (1177 vị trí cột) và khoảng 32% (160/503) khoảng néo, còn 343/503 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng.
Về công tác thi công đã triển khai đồng loạt được 1174/1177 vị trí ( khoảng 99,7%), hoàn thành đúc móng được 184/1177 vị trí. Còn 03/1177 vị trí thuộc Dự án Nam Định I - Phố Nối chưa đưa vào thi công gồm: vị trí 175, 176 chưa vào thi công do người dân đòi hỏi đền bù cây để làm đường vào thi công cao so với quy định. Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp giải quyết.
EVN cũng đã lên kế hoạch triển khai thời gian tới, phấn đấu sẽ hoàn thành công tác đúc móng trước tháng 4/2024, triển khai dựng cột, kéo dây trước 30/6, đảm bảo tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và máy móc thi công.
Cụ thể, về thi công, cả tuyến có 240 vị trí móng cọc. Đây là phần công việc đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, thời gian thi công dài, và phải có máy thi công chuyên nghành như robot ép cọc, máy đóng cọc. Việc đồng thời huy động số lượng lớn các máy thi công này cho 240 vị trí móng cọc trên toàn tuyến đường dây trong thời gian ngắn là rất khó khăn. Tại nhiều địa phương không có máy ép cọc/đóng cọc công suất lớn nên phải huy động từ các vùng miền khác gây chậm tiến độ. Ngoài ra, máy ép cọc có tải trọng lớn (200 tấn/1 máy), nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là ao - đầm - kênh - sông nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Bên cạnh đó, nhiều vị trí móng cột ở khu vực có địa hình hiểm trở, việc mở đường, vận chuyển máy móc thiết bị, vật tư phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn lớn thứ 2 là công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi rừng. Theo đó, các công trình phải phá dỡ, di rời hoặc tái định cư do ảnh hưởng đường dây là 691 trường hợp (trong đó tỉnh Nam Định có 146 trường hợp; tỉnh Thái Bình có 79 trường hợp; tỉnh Ninh Bình có 19 trường hợp; tỉnh Hải Dương có 30 trường hợp; tỉnh Hưng Yên có 19 trường hợp; tỉnh Thanh Hóa có 182 trường hợp; tỉnh Nghệ An có 64 trường hợp; tỉnh Hà Tĩnh có 150 trường hợp; tỉnh Quảng Bình có 05 trường hợp).
Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng tại Hà Tĩnh, dù đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng chưa có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật có một số điều chỉnh để chuẩn xác lại tọa độ, mặc dù không vượt tổng diện tích đã được phê duyệt.
Sớm giải quyết vướng mắc
Theo lãnh đạo EVN, khối lượng của dự án còn rất nhiều, thời gian gấp rút, vì vậy để hoàn thành các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ đầu tư, các nhà thầu một số vướng mắc.
Cụ thể, về chuyển đổi rừng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An xem xét cho phép Chủ đầu tư được mở đường tạm thi công ngay để đáp ứng tiến độ. Chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm trồng rừng thay thế cho phần diện tích mở đường tạm thi công sau theo đúng quy định tại mục 6b, khoản 2, điều 1 của Nghị định 27/2024/NĐ-CP.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, các huyện liên quan quan tâm để xử lý các vướng mắc phát sinh về đường vào thi công. Đặc biệt là tỉnh Thái Bình chỉ đạo huyện Hưng Hà tiếp tục phối hợp với Ban Điều hành Dự án để tháo gỡ vướng mắc/thống nhất đơn giá bồi thường cây với các hộ dân tại các vị trí móng cọt 175, 176.
Ủy ban nhân dân các huyện và các cơ quan liên quan sớm phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột, hoàn thành trong tháng 3/2024 để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường cho người dân, doanh nghiệp.
Về bàn giao hành lang tuyến, cần bàn giao không muộn hơn ngày 30/3/2024. (Hiện tỉnh Quảng Bình còn 09 khoảng néo, tỉnh Hà Tĩnh còn 113 khoảng néo, tỉnh Nghệ An còn 88 khoảng néo, tỉnh Thanh Hóa còn 74 khoảng néo, tỉnh Ninh Bình còn 05 khoảng néo, tỉnh Nam Định còn 24 khoảng néo, tỉnh Thái Bình còn 11 khoảng néo, tỉnh Hải Dương còn 13 khoảng néo, tỉnh Hưng Yên còn 06 khoảng néo).
Về công tác tái định cư, đề nghị các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện/Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện khẩn trương kiểm kê, kiểm đếm, xác định số nhà/hộ dân phải di dời tái định cư trước 15/3/2024.
Về thủ tục tác động vào rừng để làm đường tạm, bãi tạm phục vụ thi công, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Sở, ban, nghành tạo điều kiện sớm thẩm tra, phê duyệt khi chủ đầu tư trình hồ sơ tác động vào rừng để làm đường tạm, bãi tạm phục vụ thi công.