Du lịch cưỡi voi vẫn "nở rộ" tại Đắk Lắk dịp Tết
Suốt những ngày Tết, nhiều chủ voi nhà ở tỉnh này vì kế sinh nhai đã cho khách du lịch cưỡi voi trở lại để thu phí sau nhiều tháng tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngày 7.2, Nài voi Y.V. (thị trấn Liêng Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, các nài voi trên địa bàn huyện đã bắt đầu khai thác du lịch cưỡi voi trở lại nếu như du khách có yêu cầu. Mức giá có thể theo thoả thuận. Khoảng 1 năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không mấy chủ voi tổ chức cho khách cưỡi loài vật này đi dạo bên hồ Lắk.
Dịp nghỉ lễ Tết năm nay, du khách đổ về đông và nhiều người yêu cầu được cưỡi voi nên chúng tôi mới làm dịch vụ trở lại. Vẫn biết chính quyền tỉnh đã yêu cầu hạn chế, dừng du lịch cưỡi voi nhưng vì cuộc mưu sinh nên chúng tôi mới làm như vậy. Bởi, cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể nào để bà con có thêm thu nhập khi dừng hẳn dịch vụ cưỡi voi".
Một nài voi khác cho rằng: "Muốn bỏ hẳn du lịch cưỡi voi là rất khó. Bởi bà con trông cậy vào con voi để mưu sinh. Đắk Lắk chuẩn bị bước vào mùa khô, nhiều nài voi cần kiếm tiền để mua thức ăn thêm cho loài vật này. Ngoài ra, khi chính quyền chưa thống nhất phương án hỗ trợ, lộ trình phát triển du lịch đối với loài vật này thì chúng tôi cũng khó bỏ "cần câu cơm" duy nhất của gia đình".
Được biết, địa bàn huyện Lắk đang có 15 con voi nhà. Trong đó, có 10 con đang được khai thác để làm du lịch (cho du khách cưỡi). Còn 4 con đang trong giai đoạn động dục nên chủ voi không dám đem ra khai thác vì sợ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách (đã có trường hợp bị húc tử vong - PV). Riêng 1 con khác do chủ nhân đang có chuyện gia đình nên cũng không khai thác.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - cho hay, tỉnh chưa bao giờ yêu cầu cấm dịch vụ cưỡi voi chỉ yêu cầu người dân dần chuyển từng bước sang mô hình voi thân thiện. Theo quy định của tỉnh, vẫn cho phép khai thác cưỡi voi khoảng 4 tiếng/ngày.
Hiện, Tổ chức Động vật châu Á- AAF chỉ mới thí điểm mô hình voi thân thiện tại vườn Quốc gia Yok Đôn và sau này nếu được mới nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trong tỉnh. Bởi, vấn đề này liên quan đến chính sách hỗ trợ cho các chủ nài voi và khi làm cần có lộ trình, từng bước vì nguồn lực vẫn chưa có. Đơn vị đang phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn xây dựng đề án voi thân thiện và đang chờ Tỉnh uỷ Đắk Lắk phê duyệt, bà Hiếu nhấn mạnh.