Dự án cao tốc 25.500 tỷ đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành do Vingroup và Techcombank đề xuất sẽ trình lên Quốc hội
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có phiên họp thẩm tra sơ bộ, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Mới đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông – Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, đạidiện Bộ Giao thông Vận tải cho biết cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại km1.915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8km. Trong đó, chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8km; chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP. HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2km.
Dự án có 27,8km qua địa phận tỉnh Đắk Nông, còn lại 101km đi qua tỉnh Bình Phước. Đầu tư phân kỳ giai đoạn 1, dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động. Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và thực tiễn triển khai một số dự án cao tốc quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian qua, Chính phủ đề xuất phân chia dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (bao gồm cả đoạn tuyến kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa) theo phương thức PPP. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 4 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông theo hình thức đầu tư công. UBND tỉnh Đắk Nông là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 5 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm đường cao tốc, đường gom, cầu vượt ngang và các công trình có liên quan thuộc địa phận tỉnh Bình Phước theo hình thức đầu tư công, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện.
Tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu bày tỏ băn khoăn về vấn đề này, nhất là điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, vừa tốn thời gian, vừa ảnh hưởng tới uy tín, công sức của các bên có liên quan. Ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá kỹ lưỡng, có những luận cứ rõ ràng để đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung báo cáo làm rõ về tính hợp lý của việc đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, nhưng đoạn tuyến kết nối từ nút giao các tốc TP. HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 2km) chỉ dừng ở quy mô đường cấp ba.
Bên cạnh đó, vấn đề triển khai các trạm dừng nghỉ ngay từ khi bắt đầu thi công, đánh giá tính hợp lý của việc tách hệ thống đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc thành các dự án thành phần độc lập cũng được các đại biểu quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đáp ứng nhu cầu vận tải cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần rà soát để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như các quy hoạch có liên quan khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện bộ hồ sơ, các tài liệu liên quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 tới đây.
Được biết, từ tháng 5/2022, liên danh Vingroup - Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
Theo đó, liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được phê duyệt, liên danh này cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.
Đến cuối tháng 5/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận giao liên danh Vingroup - Techcombank chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.
Tháng 10 năm ngoái, liên danh Vingroup - Techcombank khẳng định tổng số vốn dự kiến tối đa mà nhà đầu tư có thể thu xếp tham gia vào dự án là 16.000 tỷ đồng. Đối với số vốn còn lại, liên danh Vingroup – Techcombank đề nghị UBND 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ bổ sung thêm từ nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc trung ương để đảm bảo tổng mức đầu tư thực hiện dự án.
Liên quan đến dự án này, đầu tháng 10/2023, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường cũng từng bày tỏ mong muốn được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).