Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/3
Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.000 tỷ đồng. VN-Index tăng 2,24 điểm (+0,25%) lên 884,43 điểm; HNX-Index tăng 1,09 điểm (+0,99%) lên 110,67 điểm; UPCOM-Index tăng 0,13 điểm (+0,22%) lên 55,17 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tới trên 323 tỷ đồng…
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 2/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.219 VND/USD, tiếp tục giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.866 VND/USD, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.230 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 28/2. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 25 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 5 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.275 - 23.295 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên 2/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 - 0,12 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần và không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 2,15%; 1 tuần 2,33%; 2 tuần 2,48% và 1 tháng 2,78%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: qua đêm 1,70%; 1 tuần 1,80%; 2 tuần 1,89%, 1 tháng 2,04%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,84%; 5 năm 1,87%; 7 năm 2,30%; 10 năm 2,78%; 15 năm 2,86%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 2,65%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 125.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,0%, không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường chứng khoán phiên 2/3, thị trường hồi phục nhẹ trở lại sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,24 điểm (+0,25%) lên 884,43 điểm; HNX-Index tăng 1,09 điểm (+0,99%) lên 110,67 điểm; UPCOM-Index tăng 0,13 điểm (+0,22%) lên 55,17 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức khá với tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tới trên 323 tỷ đồng trên cả ba sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei trong tháng 2 đã giảm xuống mức 49,9 điểm, báo hiệu sự suy giảm các điều kiện kinh doanh. Đây là lần giảm đầu tiên chỉ số này xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong 4 năm.
Tin quốc tế
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống còn 2,4% cho năm 2020, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 11/2019. Nếu dự báo này chính xác, sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Trong số các quốc gia bị hạ dự báo tăng trưởng, nổi bật có Ấn Độ và Trung Quốc bị giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 1,1 và 0,8 điểm phần trăm, xuống còn 5,1% và 4,9%.
Trong báo cáo này, OECD muốn cảnh báo dịch bệnh Covid-19 có thể nghiêm trọng hơn những gì dịch SARS từng gây ra, nguyên nhân là kinh tế quốc tế hiện nay đã mang tính kết nối mật thiết hơn giữa các quốc gia, và Trung Quốc đã trở nên rất quan trọng đối với sự phát triển chung của thế giới.
Tổ chức ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ ở mức 50,1% trong tháng vừa qua, giảm so với mức 50,9% của tháng trước đó và giảm sâu hơn so với dự báo ở mức 50,5%.
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Trung Quốc được hãng Caixin cho biết ở mức 40,3 điểm trong tháng 2, giảm mạnh từ mức 51,1 điểm của tháng 1 và sâu hơn dự báo ở mức 46,1 điểm. Thậm chí mức PMI này còn thấp hơn đáy 40,9 điểm vào năm 2008.
PL
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB