Dịch tả lợn châu Phi phức tạp, Hà Tĩnh ra công điện khẩn cấp phòng chống
UBND tỉnh vừa công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi phức tạp, Hà Tĩnh ra công điện phòng chống. Ảnh: Quang Tuấn.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 23/69 xã, phường có dịch tả lợn châu Phi và 5/69 xã, phường có dịch viêm da nổi cục trâu, bò chưa qua 21 ngày, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan trên diện rộng là rất cao, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi, nguồn cung thực phẩm và môi trường.
Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã làm cho 4.465 con lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy; dịch viêm da nổi cục trên trâu bò làm cho 47 con trâu bò mắc bệnh, trong đó có 5 con chết, tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại các xã, phường: Yên Hòa, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Thiên Cẩm, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Đồng Tiến, Thạch Lạc, Cẩm Bình, Thạch Khê, Hương Xuân, Thạch Xuân, Đức Quang, Đức Thịnh, Hải Ninh, Kỳ Xuân, Cổ Đạm, Sơn Tiến, Sơn Kim 1, Thượng Đức, Bắc Hồng Lĩnh, Đồng Lộc, Gia Hanh.
Dịch viêm da nổi cục xảy ra tại các xã: Hương Đô, Hương Khê, Đức Đồng, Đức Thịnh, Kỳ Xuân, Sơn Hồng.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, theo chức năng, thẩm quyền chủ động chỉ đạo, huy động lực lượng, nguồn lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi.
UBND các xã, phường chỉ đạo các phòng chức năng, tổ chức liên quan, đối với các địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên trâu, bò khẩn trương thành lập/kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã.
Qua đó, kịp thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo, huy động lực lượng, các nguồn lực hợp pháp để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và phương tiện.
Tổ chức tiêm phòng bao vây chống dịch, nhất là đối với dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên trâu, bò; thành lập hội đồng xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, ốm, chết, đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định; rà soát, đánh giá tình hình, điều kiện, thực hiện công bố dịch bệnh đảm bảo quy định; báo cáo tình hình, diễn biến, kết quả phòng, chống dịch bệnh hàng ngày gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước 16h30) để tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao, cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật; hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo chủ động, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.