A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dẹp thói cửa quyền nhìn từ vụ “phó công an phường tát dân”

Không ai mong muốn người giữ an ninh cho xã hội lại vô văn hóa, ứng xử nơi công cộng đến mức hoàn toàn hỏng về mặt đạo đức con người như vậy.

 

 

Nửa đêm, nhóm người được cho là cán bộ và công an phường ở TP Cao Bằng đến nhà một người dân đòi bắt người rồi xô xát với phụ nữ.

Nửa đêm, nhóm người được cho là cán bộ và công an phường ở TP Cao Bằng đến nhà một người dân đòi bắt người rồi xô xát với phụ nữ. Ảnh cắt từ clip.

Câu chuyện ông Đặng Đình Đoàn, Phó trưởng Công an phường Sông Bằng (TP. Cao Bằng) vừa bị cách chức và cho thôi phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân vì đã tát vào đầu một phụ nữ và hành hung một nam giới đang nhận được sự quan tâm từ dư luận.

Theo đó, mạng xã hội lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm người, trong đó có cả người mặc trang phục công an có hành vi xô xát với người dân tại một tiệm cắt tóc trên địa bàn phường Đề Thám, TP Cao Bằng vào tối ngày 28/4. Hình ảnh trong clip cho thấy nhóm người bước ra từ xe ô tô lôi người ở tiệm cắt tóc lên xe, trong khi nhóm người tại tiệm cắt tóc kéo lại.

Đáng chú ý, trong đoạn clip xuất hiện một người đàn ông áo trắng có hành vi tát và dùng tay đẩy người phụ nữ tại tiệm tóc. Theo kết quả xác minh, người có hành vi tát và đẩy người phụ nữ là Phó Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng.

 

Trong xã hội, những hành vi như chửi mắng thô tục, hay vô cớ đánh và chửi rủa người khác như Phó trưởng Công an phường Sông Bằng không phải là không có. Khi chứng kiến những việc như thế trên đường phố, của dân thường, người ta chỉ coi đó là người ít học, có tính côn đồ. Và thường là không ai muốn dây dưa với, ai dũng cảm lắm thì nói vài lời rồi cũng bỏ đi.

Tuy nhiên, những hành vi đó lại xuất phát từ các sĩ quan cảnh sát đã làm toàn xã hội quan tâm, bất bình. Rất nhiều ý kiến xây dựng và nghiêm túc đều thống nhất với nhau rằng, hành vi của ông Đặng Đình Đoàn đã làm xấu, rất xấu hình ảnh người cảnh sát nhân dân.

Đơn giản như việc thi hành công vụ, khi bắt người phải có lệnh bắt người, công bố lệnh và có sự giám sát của Viện kiểm sát cùng cấp. Người bị bắt có quyền được biết mình bị bắt vì lý do gì và được quyền khiếu nại đối với quyết định bắt người. Những trường hợp bắt giữ người ngoài trường hợp luật pháp quy định là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Camera an ninh của nhà dân quay lại cảnh Phó trưởng Công an phường Sông Bằng tát người phụ nữ. (Ảnh cắt từ clip)

Camera an ninh của nhà dân quay lại cảnh Phó trưởng Công an phường Sông Bằng tát người phụ nữ. Ảnh cắt từ clip.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho hay, theo nội dung clip từ camera an ninh ghi lại, rõ ràng Phó Công an phường đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có hành vi côn đồ khi liên tiếp tát và đẩy người phụ nữ. Những gì diễn ra qua clip cho thấy hành vi đánh người là vô cớ, đánh phụ nữ lại càng không thể chấp nhận được.

“Vụ việc trên là nghiêm trọng, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân, đe dọa đến sức khỏe, quyền được bảo vệ thân thể, danh dự uy tín của công dân. Bởi vậy dù nạn nhân không đề nghị xử lý, cơ quan chức năng vẫn vào cuộc xem xét xử lý về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và hành vi vi phạm kỷ luật công chức”, ông Đặng Văn Cường nói.

Từ sự việc này cho thấy, có lẽ vị Phó Công an phường kia đang cậy một điều gì đó nên không coi ai ra gì, lời qua tiếng lại. Và như clip ghi lại thì vị ấy đã không ngại ngần gì khi xô xát với dân và thẳng tay tát dân. Dù đúng dù sai chăng nữa thì hành động đó đều không đẹp, không đúng với tư cách của người công an nhân dân.

Việc mạnh tay xử lý những “con sâu làm rầu nồi canh” của Công an Cao Bằng là đáng ghi nhận bởi nhân dân cần đội ngũ cảnh sát, công an của chúng ta phải thật sự là nơi họ nương tựa, tin cậy.

Không ai mong muốn người giữ an ninh cho xã hội lại vô văn hóa, ứng xử nơi công cộng đến mức hoàn toàn hỏng về mặt đạo đức con người như vậy. Không ai muốn người đang bảo vệ xã hội lại thiếu hiểu biết tối thiểu về mặt luật pháp, để gây ra những hành vi chà đạp lên luật pháp như vậy.

Chính vì vậy, kỷ luật nghiêm cán bộ sai phạm - đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó không phải là sự mị dân, chiều lòng công chúng, mà nhằm gây dựng một đội ngũ công an trong sạch, càng ngày càng được nhân dân tin cậy và yêu mến như những năm nào.

Nó rất cần cho một xã hội tiến bộ mà đạo đức phải được coi trọng, pháp luật cần nghiêm minh, nhất là trong tình hình Đảng và Nhà nước đang ra sức chỉnh đốn hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan