A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia trên cơ sở nào?

Theo Luật sư, việc đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia là phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương đang lên kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia, dự kiến triển khai trong tháng 2/2022.

Trong quá trình chuẩn bị, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến về Quyết định phê duyệt kế hoạch bán đấu giá xăng dự trữ quốc gia.

Tài sản đấu giá là 1 lô hàng dự trữ quốc gia với 101.976.121 lít xăng RON92 ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản. Số liệu này được cập nhật thời điểm ngày 31/12/2021.

Giá xăng liên tục tăng trong khi nguồn cung lại đang chưa ổn định.

Giá xăng liên tục tăng trong khi nguồn cung lại đang chưa ổn định.

Theo dự thảo quyết định kế hoạch bán đấu giá của Bộ Công Thương, giá khởi điểm bán đấu giá được quy định cho 1 lít xăng RON92. Các chi phí liên quan đến việc bơm rót lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí xuất hàng, chi phí vận chuyển và các khoản thuế, phí phải nộp nhà nước theo quy định (thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng...) do bên mua hàng chi trả.

Về vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết: Xăng nằm trong nhóm hàng Nhiên liệu thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia 2012. Đồng thời, tại điểm g khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia được phép bán thông qua đấu giá.

Bên cạnh đó, tại dự thảo cũng đã nêu khái quát việc xét tuyển hồ sơ để xác định tổ chức tham gia đủ điều kiện cũng như phải nộp tiền đặt trước theo mức tương đương 10% tổng giá trị tài sản cùng các biện pháp xử lý tiền đặt trước. Nhìn chung những quy định này đều cơ bản phù hợp với các quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.

"Như vậy, việc đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay đây mới chỉ là đề xuất từ phía Bộ Công thương nên chưa rõ quy trình đấu giá thực tế sẽ diễn ra như thế nào, có phù hợp với quy định pháp luật về đấu giá hay không?", Luật sư Hà đánh giá.

Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện nay, nguồn cung xăng dầu của chúng ta đến từ nhập khẩu và từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Theo Bộ Công Thương thì nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

Theo diễn biến tình hình thế giới thì giá xăng mấy tháng trở lại đây liên tục tăng do các kế hoạch, chính sách từ các nước cung cấp vì vậy đã ảnh hưởng đến giá xăng nhập khẩu. Đây là nguyên nhân khách quan mà chúng ta không thể can thiệp.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu xuất phát từ việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn với lý do khó khăn về tài chính. Việc nguồn cung xăng dầu của cả thị trường đa phần phụ thuộc vào 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất, trong đó Nghi Sơn đã chiếm gần 40% nguồn cung, vì vậy khi nhà máy này giảm 20% công suất cũng đủ để thị trường chao đảo.

Đánh giá về vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc để khan hiếm nguồn cung đến mức phải đem nguồn dự trữ ra bán, Luật sư Hà cho rằng, trách nhiệm của ngành công thương là phải đảm bảo an ninh năng lượng cũng như không để giá xăng dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, lưu thông và đời sống người dân.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy Bộ Công Thương chưa có những chính sách, cơ chế kịp thời để quản lý nguồn cung xăng dầu trong nước. Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên các nhà máy lọc dầu thông báo giảm công suất khiến giá xăng dầu trong nước tăng vọt. Bộ Công Thương cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục vấn đề với Nghi Sơn cũng như sử dụng các công cụ điều chỉnh phù hợp để cân bằng lại thị trường", ông Hà nói. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan