A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có nên giãn chu kỳ đăng kiểm?

Nhiều quy định đăng kiểm được xây dựng từ hơn 20 năm đã không còn phù hợp, gây tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như việc sử dụng phương tiện của người dân…

Đó là ý kiến của một số chuyên gia xung quanh câu chuyện khủng hoảng ngành đăng kiểm đang là tâm điểm dư luận thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, quy định về chu kỳ kiểm định đã được xây dựng từ hơn 20 năm. Thời điểm đó, chất lượng xe kém, phụ tùng thay thế không có, nhiều chi tiết chỉ được sửa chữa khắc phục để xe vận hành; quy định thời gian giữa 2 kỳ đăng kiểm ngắn là cần thiết để đảm bảo an toàn. Nhưng đến nay, chất lượng xe đã tốt hơn nên chu kỳ đăng kiểm giữ như vậy là không còn phù hợp, do đó các chuyên gia cho rằng, ngành đăng kiểm cần kéo dài chu kỳ kiểm định.

Dưới góc độ chuyên môn, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, việc kéo dài chu kỳ kiểm định không có nghĩa là chấp nhận rủi ro với những xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

"Trong khi đó, nếu thực hiện kéo dài chu kỳ đăng kiểm với xe kinh doanh vận tải lên 1 năm, xe cá nhân là 1 năm rưỡi như các nước trong khu vực đang thực hiện, khối lượng công tác đăng kiểm ước sẽ giảm được 1/3, đồng nghĩa vừa giảm được chi phí, vừa là giải pháp khắc phục ùn tắc tại các trạm đăng kiểm. Thông qua thiết bị và thông qua đánh giá, theo quy phạm pháp luật, quy phạm về quy trình đăng kiểm, nếu thấy xe không có khả năng đảm bảo an toàn trong phạm vi 1 năm thì chúng ta không cho lưu hành, yêu cầu phải sửa lại, bảo dưỡng lại" ông Tạo nói.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Minh Đồng (một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thiết kế ô tô) cho biết, về kỹ thuật, khí thải xe mới không cần đo trong thời hạn 5 năm, sau đó 2 năm một lần và giữ tới suốt tuổi thọ xe. Ở Đức, xe thường di chuyển ở vận tốc cao nhưng cũng chỉ 2 năm đo 1 lần, ở Mỹ 10 năm không đo khí thải. Công nghệ xe hơi là công nghệ cơ khí chính xác, không thua gì ngành chế tạo máy bay. Chu trình kiểm tra chất lượng và kiểm định của một chiếc xe hơi ở châu Âu trước khi đưa ra sử dụng rất nghiêm ngặt từ nước sơn, độ an toàn cho người dùng cũng như người ngồi trong xe và người đi bộ trên đường. 

“Hầu hết các nhà sản xuất ngày nay đều phải chịu trách nhiệm về độ an toàn ngay cả khi hết thời hạn bảo hành. Nhà nước nên mạnh dạn kéo dài hơn thời gian miễn kiểm định xe mới, và tinh giản những quy định rườm rà không cần thiết”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng góp ý.

Được biết trước những đề xuất, ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, vào tháng 12/2022, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành văn bản bổ sung, hướng dẫn thay đổi một số quy định cho phù hợp với thực tiễn, các hạng mục được đánh giá thuộc khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Cụ thể, việc dán decal lên thân vỏ xe cùng màu sơn cũng được chấp nhận; lưới tản nhiệt, mặt ca lăng thay thế có cùng hình dáng, kích thước, vật liệu với lưới tản nhiệt, mặt ca lăng cũ không làm thay đổi kết cấu của xe...

Đối với xe tải đã nhiều năm sử dụng, cho phép thay thế tôn bọc thùng hàng bằng các loại tôn bọc mới mà không làm thay đổi kích thước, khối lượng và kết cấu thùng hàng cũ. Xe được phép lắp lốp có thông số kỹ thuật cung cấp bởi nhà sản xuất (thường ghi rõ trong sách thông số kỹ thuật của xe hoặc tem dán vị trí cửa xe, nắp bình xăng hoặc trên các trang web thông tin của hãng sản xuất). Không kiểm tra và đánh giá hạng mục hình dáng la giăng của vành bánh xe...

Về tình trạng ùn tắc đăng kiểm hiện nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam sớm triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo phục vụ hoạt động kiểm định xe cơ giới cho người dân thuận lợi, nhanh chóng. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương rà soát, bổ sung kịp thời máy móc, phương tiện, nhân lực để khôi phục các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại; tiếp tục thực hiện tăng ca, làm cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Song song với đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để người dân đăng ký đặt lịch hẹn đăng kiểm từ xa để tránh cảnh phải xếp hàng gây bức xúc, mất thời gian; lưu ý về nội dung miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới sử dụng; cân nhắc rà soát ý kiến của các chuyên gia về chu kỳ đăng kiểm.

Theo một diễn biến mới đây, trong dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021 mới nhất, Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải đề xuất  xe gia đình, xe không kinh doanh vận tải sản xuất dưới 7 năm sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu; kiểm định chu kỳ đầu được kéo dài 36 tháng (3 năm), chu kỳ định kỳ là 24 tháng (2 năm) - tăng 6 tháng mỗi giai đoạn so với quy định hiện hành. Xe sản xuất trên 7 năm đến 15 năm có chu kỳ định kỳ 12 tháng. Xe trên 15 năm (hiện nay là 12 năm) kiểm định định kỳ 6 tháng.

Chu kỳ đăng kiểm với các loại xe kinh doanh vận tải dự kiến không thay đổi nhiều so với quy định hiện hành. Điểm mới đáng chú ý là xe trên 9 chỗ chở người sản xuất đến 5 năm sẽ có chu kỳ kiểm định lần đầu là 24 tháng, định kỳ 12 tháng - tăng 6 tháng so với quy định hiện hành. Xe sản xuất trên 5 năm vẫn áp dụng chu kỳ 6 tháng.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đề xuất nói trên được đưa ra sau khi tham khảo một số nước tương đồng về hạ tầng, phương tiện và nghiên cứu theo điều kiện Việt Nam. Ví dụ, tại Trung Quốc, chu kỳ kiểm định xe ôtô cá nhân trên 15 năm là 6 tháng; Indonesia quy định chu kỳ kiểm định lần thứ 2 trở đi là 6 tháng. Nhật Bản và Hàn Quốc đang áp dụng thời hạn định kỳ 2 năm.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chưa xem xét thay đổi chu kỳ kiểm định của xe kinh doanh vận tải vì hầu hết các quốc gia đều siết chặt chu kỳ kiểm định với xe tải hạng nặng; một số nước còn siết chặt hơn Việt Nam. Hiện nay, nước có chu kỳ kiểm định 6 tháng với xe tải sản xuất trên 5 năm là Tây Ban Nha, Trung Quốc. Với xe trên 6 năm là New Zealand, xe trên 7 năm là Bồ Đào Nha.

Xe chở người trên 9 chỗ từ 15 năm trở lên là nhóm sắp hết niên hạn sử dụng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông nên chu kỳ kiểm định vẫn giữ nguyên 3 tháng. Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định nếu Thông tư 16 được sửa đổi là hơn 3 triệu.

Trao đổi về đề xuất này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định ô tô là phù hợp với xu thế của thế giới. Hiện các nhà sản xuất ô tô đều rất quan tâm đến chất lượng phương tiện, đặc biệt những trang bị an toàn, hệ thống kỹ thuật. Chất lượng ô tô ngày càng được nâng cao trong khi kinh tế - xã hội phát triển, việc quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của người dân cũng tăng lên, do đó, việc điều chỉnh chu kỳ theo hướng giãn ra là phù hợp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, cần tính toán hợp lý khi điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với các xe kinh doanh vận tải, bởi các phương tiện này hoạt động với cường độ cao, tần suất lớn và ít được quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa hơn so với các xe gia đình.

 

Nguồn:diendandoanhnghiep.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan