Chưa tìm được tiếng nói chung trong vụ dừng mua 172 MW điện mặt trời
Trung Nam khẳng định việc EVN huy động toàn bộ nhà máy điện mặt trời 450MW trong đó có phần công suất 171,12 MW là tuân thủ theo pháp luật liên quan và theo Hợp đồng PPA đã ký kết giữa hai bên.
Ngày 23/10/2022, EVN đã có thông cáo báo chí liên quan đến việc dừng huy động phần công suất 172.12MW của ĐMT (điện mặt trời) Trung Nam chưa có giá. Trong đó, EVN dẫn chứng các chỉ đạo của chính phủ và bộ công thương với nội dung: “EVN huy động phát điện của nhà máy ĐMT 450 Trung Nam trên cơ sở hợp đồng PPA đã ký và các quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, theo đại diện của Trung Nam thì EVN chỉ đưa ra 2 văn bản là 12158 và Điều 4 Thông tư 13 để giải thích cho cụm từ “quy định của pháp luật” mà không đề cập đến hợp đồng PPA cũng như các văn bản pháp lý khác liên quan đến dự án.
Cụ thể, phần công suất 172,12MW này đã được huy động từ tháng 10/2020 đến tháng tháng 09/2022 và Bộ Công Thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác. Cơ sở pháp lý và cơ sở pháp luật của dự án này đảm bảo việc huy động công suất từ 1/10/2020 đến 31/8/2022 là đúng quy định pháp luật.
Đại diện Trung Nam dẫn chứng: Thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 trong đó có nội dung ưu tiên xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước và chủ trương đồng ý của Thủ tướng chính phủ tại văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2020 về triển khai đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam với các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời NÀY và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.
Cùng với đó, tại Nghị quyết số 55 của Bộ chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ghi rõ: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.
"Dự án ĐMT 450MW được UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư theo đúng quy trình pháp luật về đầu tư". vị này khẳng định
Trung Nam khẳng định việc EVN huy động toàn bộ nhà máy ĐMT 450MW trong đó có phần công suất 171,12 MW là tuân thủ theo pháp luật liên quan và theo Hợp đồng PPA đã ký kết giữa hai bên
Theo Trung Nam, căn cứ quyết định chủ trương đầu tư số 79/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 03/4/2020 nêu rõ điều kiện khi thực hiện dự án “Chịu trách nhiệm bồi thường chi phí cho EVN trong trường hợp không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải đúng cam kết, chi phí phải trả căn cứ theo quy định mua bán điện với Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (1 triệu USD/ngày).
Điều này cũng được lặp lại tại khoản 10 điều 10 trong hợp đồng mua bán điện PPA (Hợp đồng số 05/2020/HĐ-NMDMT- THUANNAM.NT - ký tháng 5/2020) “Trong trường hợp Bên bán điện không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải theo quy định tại Thỏa thuận đấu nối số 1702/EVNNPT -TTĐN ngày 11/05/2020 và việc chậm tiến độ này gây thiệt hại cho bên mua điện, Bên bán điện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Bên mua điện. Thiệt hại trên cơ sở chi phí Bên mua điện phải gánh chịu theo quy định tại hợp đồng mua bán điện dự án BOT Vân Phong 1”.
Ngoài ra, ngay từ khi đi vào vận hành từ tháng 10/2020, phần công suất 172,12MW của Dự án ĐMT 450 MW được xét theo Khoản 5 Điều 4 Hợp đồng mua bán điện (Hợp đồng số 05/2020/HĐ-NMDMT- THUANNAM .NT - ký tháng 5/2020): “Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại Khoản 1, nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương về việc một phần nhà máy điện, hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương”.
Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp truyền tải 500kV là nhà máy được xây dựng có điều kiện. Toàn bộ quá trình triển khai dự án này tuân thủ các điều khoản, làm đúng các cam kết với EVN, với địa phương, dự án vận hành đảm bảo chất lượng kỹ thuật
“Lưu ý rằng, nhà đầu tư khẳng định không đề nghị EVN thanh toán đối với phần công suất này, các bên thống nhất rằng sản lượng được huy động sẽ được ghi nhận và chờ thanh toán sau khi xác định giá, nhà đầu tư đã cam kết sẽ tuân thủ tuyệt đối theo cơ chế giá mới, không khiếu nại khiếu kiện”, đại diện Trung Nam khẳng định.
Cũng theo đại diện Trung Nam, tại ccuộc họp ngày 24/9/2022 về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời 450MW, Thông báo kết luận số 316/ TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo: “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm kiến nghị của công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy DMT 450 đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực...”
“Vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực, dự án đóng góp lợi ích cho xã hội, tiết kiệm được ngân sách nhà nước cho đầu tư hạ tầng truyền tải. Và EVN đã hoàn toàn không nhắc đến điều này trong các văn bản trả lời, rằng Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp truyền tải 500kV là nhà máy được xây dựng có điều kiện.Toàn bộ quá trình triển khai dự án này tuân thủ các điều khoản, làm đúng các cam kết với EVN, với địa phương, dự án vận hành đảm bảo chất lượng kỹ thuật: Nghị quyết số 55/NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật điện lực; Tuân thủ quy trình đầu tư; Hoàn thành nghiệm thu thương mại COD. Một lần nữa nhà đầu tư khẳng định việc EVN huy động toàn bộ nhà máy ĐMT 450MW trong đó có phần công suất 171,12 MW là tuân thủ theo pháp luật liên quan và theo Hợp đồng PPA đã ký kết giữa hai bên.”, đại diện Trung Nam khẳng định.
Trước đó, liên quan đến việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW của ĐMT Trung Nam chưa có giá, theo EVN cho biết nguyên nhân là Văn bản số 12158/BCT-ĐTĐL ngày 19/12/2016 của Bộ Công Thương chỉ đạo: “Kể từ ngày 01/01/2017, nếu các nhà máy điện (trừ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được quy định tại Quyết định 2012/QĐ-TTg ngày 24/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các nhà máy điện phối hợp vận hành với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được quy định tại Quyết định 4712/QĐ-BCT ngày 2/12/2016 của Bộ Công Thương) không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện".
Cũng theo EVN, Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 3/8/2017 của Bộ Công Thương quy định:“Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện. Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy luật.
“Như vậy với các căn cứ nêu trên, việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật”.