Chính phủ cho phép kéo dài niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt
Chính phủ đã ban hành nghị định sửa đổi về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP.
Kéo dài niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt
Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị định số 01/2022/NĐ-CP về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.
Cụ thể, theo Nghị định số 01/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt thực hiện như sau:
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01/01/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 01/01/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.
Lộ trình trên được Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi như sau: Các phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang
Bên cạnh đó, Nghị định 91/2023/NĐ-CP cũng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang từ Bộ Giao thông vận tải về Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện.
Cụ thể, đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống (Điều 12 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP), thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang được quy định như sau:
Cục Đường sắt Việt Nam đối với đường ngang xây dựng trên đường sắt quốc gia, đường ngang công cộng xây dựng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ. (Theo quy định cũ, thẩm quyền này là do Bộ Giao thông vận tải thực hiện).
Sửa quy định hồ sơ và trình tự thực hiện chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang
Nghị định 91/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi điểm b, đ khoản 3 Điều 12 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP về hồ sơ và trình tự thực hiện chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang trong trường hợp đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống.
Theo đó, chủ đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp gửi trên môi trường điện tử, hồ sơ đề nghị gồm bản sao điện tử của các tài liệu quy định tại điểm a khoản này và thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Giao thông vận tải hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang phải có văn bản chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.