A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo rủi ro thương mại và rủi ro đầu tư trong ngành gỗ

Loại bỏ rủi ro trong đầu tư không có trách nhiệm, đầu tư núp bóng là vấn đề hết sức cần thiết.

“Bức tranh về hiện trạng đầu tư và xuất, nhập khẩu của các DN khối FDI cho thấy một số tín hiệu về gian lận thương mại đối với một số DN trong khối này”, TS. Tô Xuân Phúc – chuyên gia của Forest Trends chỉ ra từ báo cáo nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam do Forest Trends công bố tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường: Thực trạng 2019 và dự báo 2020” do tổ chức này phối hợp cùng Hiệp hội Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, Hội gỗ, Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức mới đây.

Báo cáo này cho biết, tính đến hết năm 2019, có 966 DN FDI hoạt động trong ngành gỗ với tổng số vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD. Đứng đầu danh sách này là Đài Loan là 1 tỷ USD với 220 dự án, Trung Quốc đầu tư 651,4 triệu USD với 217 dự án, Hồng Kông chỉ có 58 dự án với số vốn là 952 triệu USD.

Ảnh minh họa

Ráp nối những số liệu về xuất khẩu gỗ, đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ và nhập khẩu nguyên vật liệu ngành gỗ, nghiên cứu này chỉ ra tình trạng đầu tư núp bóng để gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ Việt Nam. Những gian lận thương mại nếu bị phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của ngành gỗ và còn làm nhiều ngành hàng khác liên lụy.

Theo đó chỉ riêng năm 2019 có 99 dự án FDI mới vào ngành gỗ thì dẫn đầu là nguồn đầu tư từ Trung Quốc với 56 dự án (tăng 2,3 lần so với năm 2018). Nguồn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ dẫn đầu trong tất cả các nguồn đầu tư, trên cả ba khía cạnh là dự án mới tăng vốn và mua bán sáp nhập. Năm 2019 các DN Trung Quốc đã có 117 lượt góp vốn mua cổ phần trong năm (tăng 1,46 lần) và giá trị góp vốn tăng 2,3 lần.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, Mỹ áp mức thuế gỗ dán từ Trung Quốc lên đến 300% nên DN Trung Quốc khó xuất sang Mỹ, dẫn đến tình trạng một số DN Trung Quốc chuyển sang Việt Nam đầu tư để “núp bóng”. Hiện tượng núp bóng để gian lận được chỉ ra từ số liệu xuất khẩu sang Mỹ ván và ghế ngồi từ các doanh nghệp có vốn FDI khối châu Á dẫn đầu là FDI Trung Quốc. Ván và ghế ngồi có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ mở rộng kim ngạch cao. Đi đôi với đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc là ván nhân tạo để sản xuất ghế ngồi tăng đột biến. “Các thông tin này khi ráp nối vào nhau cho thấy một số tín hiệu về gian lận thương mại có thể xảy ra trong một số DN FDI của Trung Quốc. Hình thức gian lận thương mại này cũng có thể xảy ra tại một số DN có liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc”, ông Phúc nói.

Không chỉ gian lận xuất xứ, ông Võ Quang Hà – Chủ tịch công ty TAVICO bóc mánh nhiều DN lợi dụng chính sách với hàng tạm nhập tái xuất, khi nhập các thành phần sản phẩm vào, sơn hoàn thiện và xuất đi để không nộp thuế cho Việt Nam.

Không chỉ ở ngành chế biến xuất khẩu gỗ, đầu tư núp bóng, gian lận thương mại ở một số lĩnh vực khác đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Rất quan ngại về hiện tượng này, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nói rằng những gian lận thương mại nếu bị phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của ngành đó mà nhiều ngành khác cũng sẽ bị liên lụy, các nước nhập khẩu sẽ thắt chặt hơn các điều kiện cũng như quy trình kiểm tra xuất xứ hàng hoá.

Vì thế, loại bỏ rủi ro trong đầu tư không có trách nhiệm, đầu tư núp bóng là vấn đề hết sức cần thiết. Các cơ quan quản lý cùng với các hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu xác định các vấn đề rủi ro có liên quan đến khía cạnh này, từ đó đưa ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả. “Làm được điều này không chỉ giúp loại bỏ các hoạt động không bình đẳng trong đầu tư, thương mại mà còn góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh của ngành hàng Việt Nam, sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phúc nói. 

Các DN đề nghị Chính phủ tăng kiểm soát rủi ro trong FDI bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, đầu tư mới, tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần. Đặc biệt cần kiểm soát các dự án đầu tư quy mô nhỏ. Việc rà soát cần nhìn nhận vào các khía cạnh đầu vào của nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm, công suất tiêu thụ nhiên liệu và tiêu thụ điện năng, sử dụng lao động. Đồng thời cần thu thập thông tin về tình trạng “đầu tư chui” hay  “đầu tư núp bóng” và phát huy vai trò của các hiệp hội để có thông tin. Chính phủ nên thành lập tổ công tác đặc biệt, bao gồm các cơ quan quản lý trực tiếp có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, hải quan, đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp C/O, các hiệp hội gỗ… để kiểm tra và xử lý vấn đề liên quan đến gian lận thương mại, giám sát chặt chẽ việc nhập hàng hoá từ các cảng, cửa khẩu giáp ranh biên giới nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận thương mại.

Lan Linh

 

 


Tags: gỗ , fdi , doanh nghiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan