A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thiết mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Theo dự kiến, khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học sẽ tương đương với các nước nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông, hộp nhựa xốp…

Theo đó, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị Dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), trong đó, một trong những định hướng sửa đổi đáng chú ý là mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, ngoài túi ni lông đang thuộc diện chịu thuế, sẽ bổ sung hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế với tên gọi chung là “bao bì khó phân hủy sinh học”. Khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước. Mục đích là nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, hộp nhựa xốp… cũng như chưa khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế.

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Ví dụ: Anh: 5 penny/túi, tương đương 1.400 đồng/túi; Ailen: 22 cent/túi, tương đương 6.600 đồng/túi; Hong Kong (Trung Quốc): 50 cent/túi, tương đương 1.500 đồng/túi; Estonia đang dự kiến thu thuế đối với túi nilon ở mức 2 kroons/túi, tương đương 3.000 đồng/túi... Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon. Ví dụ Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon có độ dày nhỏ hơn 0,025 mm; Ấn Độ cấm sử dụng túi mỏng dưới 50 micron; Đài Loan (Trung Quốc) cấm sử dụng túi nhựa mua sắm mỏng hơn 0,06 mm. Trong khi Mỹ cấm hoàn toàn sử dụng túi ni lông ở hầu hết các bang thì Malaixia cấm sử dụng túi ni lông tại một số khu vực, nếu muốn sử dụng thì phải trả mức thuế là 20 cent/túi, tương đương 1.040 đồng/túi.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sử dụng túi ni lông nhiều nhất trên thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi/tháng, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông (phần lớn là túi khó phân hủy).

Và cũng như nhiều nước khác, Việt Nam cũng áp dụng thuế bảo vệ môi trường như một trong những công cụ quan trọng nhất để kéo giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy với mức 50.000 đồng/kg. So với các nước, có thể thấy khung và mức thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam là rất thấp, đáng lo ngại hơn, vì nhiều lý do, tình trạng thất thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông rất đáng báo động.

Theo thống kê, nếu nhân mức thuế bảo vệ môi trường với lượng túi ni lông nước ta tiêu thụ thì số tiền thu được phải là hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ thu được khoảng 70 tỷ đồng - số tiền quá nhỏ để có thể tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng túi mặt hàng này.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế cùng với túi ni lông và tăng thuế suất bảo vệ môi trường với những mặt hàng này là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng “ô nhiễm trắng”. Còn mức tăng bao nhiêu thì các cơ quan chức năng cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Hồng Tình (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, để phát huy hiệu quả cao nhất, chắc chắn là phải cải thiện khả năng “hành thu” thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông, hộp nhựa xốp.  “Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách nên xem xét đánh thuế theo số lượng túi, hộp nhựa xốp thay vì trên khối lượng như hiện nay”, luật sư Tình chia sẻ.

Bởi theo lý giải của vị luật sư này, điều này giúp tránh được tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi ni lông mỏng vốn gây tác hại lớn hơn đến môi trường.

“Khi chi phí đội lên buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc nghiêm túc về số lượng túi phát miễn phí cho khách hàng hoặc buộc người tiêu dùng phải chia sẻ chi phí này. Có như vậy mới hy vọng khiến người dân thay đổi thói quen dùng túi ni lông, hộp nhựa xốp tràn lan rồi xả ra môi trường gây ô nhiễm”, luật sư Trần Hồng Tình chia sẻ.

Cũng quan tâm đến đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La đã cho biết, thực tế có rất nhiều sản phẩm, hàng hóa khi sản xuất, sử dụng hoặc thải bỏ đều có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng mức độ khác nhau, như sản phẩm nhựa sử dụng một lần, vi nhựa; các chất tẩy rửa; phân bón hóa học; thuốc lá; pin, ắc quy, ôtô, xe máy... Thế nhưng, không phải hàng hóa, sản phẩm nào gây ô nhiễm đều đưa vào diện chịu thuế. Việc lựa chọn hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chung khi xây dựng chính sách thuế và nguyên tắc riêng của khi ban hành chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Theo luật sư Biên, khi xây dựng chính sách thuế còn cần phải đáp ứng một số nguyên tắc, như: phải là những hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường; phù hợp với chủ trương, quan điểm, định hướng của Nhà nước trong việc hạn chế sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hóa, sản phẩm, chất gây ô nhiễm môi trường.

“Hàng hóa đưa vào đối tượng chịu thuế kể trên cũng phải được định danh rõ ràng, đảm bảo tránh đánh thuế trùng, bảo đảm sự hài hòa với sự phát triển kinh tế và không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam”, luật sư Biên nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan