A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp chế biến thủy sản

Hiện nay, ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó có những nguyên nhân mà các doanh nghiệp cho rằng ngành Thuế có thể xem xét giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc.

Thế khó cho doanh nghiệp

Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản báo cáo và kiến nghị gửi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về giải quyết một số vướng mắc, bất cập về thuế của doanh nghiệp thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Văn bản cho biết, Hiệp hội VASEP nhận được phản ánh của các doanh nghiệp hội viên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về một số vướng mắc về thuế. Cụ thể, thời gian gần đây, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức thanh, kiểm tra thuế giai đoạn 2016 - 2017 tại một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Quá trình thanh, kiểm tra đã phát hiện các doanh nghiệp chế biến thủy sản kê khai một số tàu thuyền đánh bắt hải sản mà giấy phép liên quan đến hoạt động khai thác chưa phù hợp, hết hạn hoặc chưa đầy đủ, chưa có. Cục Thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này vì xem đó là chi phí không hợp lý, hợp lệ.

Hậu quả là các doanh nghiệp chế biến thủy sản có thể bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trên toàn bộ chi phí nguyên liệu đầu vào mua từ các tàu cá này và bị phạt chậm nộp (tính từ năm 2016 - 2017 đến nay) cũng tương đương 20% nữa. Nghĩa là, doanh nghiệp chế biến có thể phải đóng thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt chậm nộp bằng 40% chi phí nguyên liệu cho các tàu thuyền đánh bắt mà không xác minh được. Điều này có nguy cơ dẫn đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, thậm chí phá sản.

Các tàu cá thường bán thủy sản cho các nậu vựa

Tàu cá cập bến thường bán thủy sản cho các vựa

Cần sớm tháo gỡ

Theo luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), thông tin từ VASEP thì Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức thanh, kiểm tra thuế cho giai đoạn 2016 - 2017 tại một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các doanh nghiệp kê khai một số tàu thuyền đánh bắt hải sản chưa có giấy phép khai thác.

Cục Thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này vì xem đó là chi phí không hợp lý, hợp lệ, là cách làm chưa đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC).

Theo luật sư Trương Hồng Điền, doanh nghiệp chế biến không có chức năng, nhiệm vụ hoặc trách nhiệm kiểm tra “tàu thuyền đánh bắt hải sản có giấy phép hay chưa”, mà trong quá trình thu mua nguyên liệu, doanh nghiệp yêu cầu bên bán xuất hóa đơn, chứng từ để kê khai, làm chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ ngư dân hoặc người phân loại hàng giúp ngư dân để hưởng chênh lệch thì được xem là “chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) trao đổi với phóng viên

Luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) trao đổi với phóng viên

Cũng theo luật sư Trương Hồng Điền, Chương III Nghị định 28/2024/NĐ-CP đã quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về đăng ký tàu cá. Hiện nay không có quy định nào buộc doanh nghiệp khi thu mua thủy hải sản được đánh bắt phải kiểm tra nội dung này. Qua đó, trách nhiệm trong việc quản lý, cấp đăng ký và kiểm tra, xử lý vi phạm về đăng ký tàu cá là thuộc các cơ quan Nhà nước, không phải của doanh nghiệp.

“Do đó, việc cơ quan quản lý thuế dựa vào “phát hiện các doanh nghiệp chế biến thủy sản kê khai một số tàu thuyền đánh bắt hải sản chưa có giấy phép khai thác, Cục Thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này vì xem đó là chi phí không hợp lý, hợp lệ” gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến.

Việc các doanh nghiệp chế biến có kiến nghị Tổng cục Thuế có hướng dẫn “Ngành Thuế cần tăng cường thanh, kiểm tra việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong khoảng 3 năm. Vì nếu để đến 7 - 8 năm là quá dài với rất nhiều sự đổi thay về cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như nhân sự của doanh nghiệp và công việc, đời sống của ngư dân” là hợp lý, cần chấp nhận để thúc đẩy phát triển xuất khẩu sản phẩm chế biến từ thủy hải sản”, luật sư Trương Hồng Điền phân tích.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Trương Hồng Điền, căn cứ theo Điều 77 Luật Quản lý Thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước theo nguyên tắc rủi ro trong quản lý thuế và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế. Như vậy, thời hạn tối đa pháp luật cho phép là 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế, do đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì cần tuân thủ thời hạn pháp luật đã quy định hoặc là tăng cường kiểm tra theo thời hạn ngắn hơn.

“Qua những vướng mắc được doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phản ánh, cho thấy hiện nay có thể một số cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc gỡ thẻ vàng IUU. Thiết nghĩ, trách nhiệm của các cơ quan cấp phép, đăng ký, quản lý tàu cá và quản lý đánh bắt cần được đặt ra, hoàn thiện quy trình quản lý để sớm gỡ thẻ vàng IUU, hơn là “làm khó” doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Bởi, quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU là để ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam được lớn mạnh”, luật sư Trương Hồng Điền nhấn mạnh.

VASEP kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét và tháo gỡ cho các doanh nghiệp thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu việc Cục Thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra đồng thời các giấy tờ (giấy phép khai thác…) của tàu cá trong giai đoạn 8 năm trước (2016 - 2017)

VASEP kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét và tháo gỡ cho các doanh nghiệp thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu việc Cục Thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra đồng thời các giấy tờ (giấy phép khai thác…) của tàu cá trong giai đoạn 8 năm trước (2016 - 2017)

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp không có quyền kiểm tra giấy phép khai thác của tàu thuyền đánh bắt hải sản. Quyền cấp và kiểm tra giấy phép khai thác thuộc về các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước như Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá...

VASEP kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét và tháo gỡ cho các doanh nghiệp thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu việc Cục Thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra đồng thời các giấy tờ (giấy phép khai thác…) của tàu cá trong giai đoạn 8 năm trước (2016 - 2017) để quyết định chi phí nguyên liệu của doanh nghiệp là hợp lý hay không khi mà các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Thuế cũng như mẫu 01/TNDN không có các quy định hoặc dẫn chiếu cụ thể tới các giấy tờ này; ban hành hướng dẫn chi tiết về các hồ sơ chứng từ cần thiết đối với các lô nguyên liệu mà doanh nghiệp thủy sản thu mua (doanh nghiệp mua nguyên liệu của ngư dân khai thác, mua từ cơ sở thu mua), để Cục Thuế các địa phương triển khai đồng bộ và phù hợp.

VASEP cũng kiến nghị ngành Thuế tăng cường thanh, kiểm tra việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong khoảng 3 năm. Vì nếu để đến 7 - 8 năm là quá dài với rất nhiều sự đổi thay về cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như nhân sự của doanh nghiệp và công việc, đời sống của ngư dân.

Trước những vướng mắc và khó khăn trên, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang rất lo lắng và kiến nghị ngành chức năng cũng như tỉnh sớm xem xét tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm, ổn định sản xuất.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó, công điện có nêu rõ các địa phương cần chủ động tích cực theo thẩm quyền, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng... theo các quy định; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan