A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách hành chính: Trọng tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Sau một năm gián đoạn ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, năm 2022, NHNN bứt phá trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%. Đây là lần thứ 7 NHNN dẫn đầu PAR INDEX trong 10 năm qua và cũng là mốc son khẳng định con đường CCHC đầy kiên định và sáng tạo của NHNN nhằm xây dựng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế. 

Đặt người dân vào trung tâm cải cách

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn quyết liệt tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập sâu sắc, toàn diện với khu vực và thế giới, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ trong hành động khi ban hành và chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và nhiều Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.

Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu xây dựng NHNN hiện đại, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Thống đốc NHNN luôn coi trọng công tác CCHC, xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức, sau đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động ngành Ngân hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp, khó lường bởi tình hình thế giới, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Thống đốc NHNN và sự nỗ lực chung trong toàn Ngành, ngành Ngân hàng đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách cụ thể để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

cai cach hanh chinh trong tam cai thien moi truong dau tu nang cao nang luc canh tranh quoc gia

Đặc biệt với quan điểm xuyên suốt của nền hành chính phục vụ là đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, NHNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp, người dân.

Trên cơ sở đó, năm 2022, NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN, trong đó đề xuất đơn giản hóa 6 quy định (gồm 5 chế độ báo cáo và 1 TTHC) thuộc 4 nhóm ngành nghề kinh doanh. Ngày 8/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của NHNN (Quyết định số 1361/QĐ-TTg).

Thực hiện Quyết định số 1844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2021, trong năm 2022, NHNN đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ký ban hành 1 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 6 Thông tư để cắt giảm, đơn giản hóa 27/27 quy định về hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của NHNN.

Trong năm 2022 và quý I/2023, cùng với việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh, NHNN đã ban hành 8 Thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 35 TTHC, tạo thuận lợi cho TCTD và doanh nghiệp, người dân.

NHNN cũng đã triển khai bộ nhận diện thương hiệu tại tất cả Bộ phận một cửa thuộc NHNN; tổ chức số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa để giảm bớt gánh nặng hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia...

Các TCTD mặc dù là doanh nghiệp nhưng có tính chất phục vụ của loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ cũng được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Từ kết quả thực hiện các chương trình CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đạt được những lợi ích to lớn, đã thiết lập mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ, cùng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế; củng cố niềm tin ngày càng vững chắc hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, có chất lượng, được chia sẻ lợi ích, được đồng hành lúc thuận lợi và khó khăn. Về phía các ngân hàng cũng có những bước tiến vượt bậc, tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế cả trong nước và quốc tế.

CCHC là quá trình xuyên suốt, liên tục và sáng tạo

Để có những kết quả tích cực về cải cách TTHC và cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như được chính phủ và các bộ, ngành ghi nhận thành quả CCHC 10 năm qua tại PAR INDEX, NHNN cho biết có 6 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, NHNN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; Bám sát sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, của đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo. Từ đó, xác định chương trình hành động của toàn Ngành giai đoạn 10 năm và kế hoạch nhiệm vụ từng năm. Quan điểm và trọng tâm trong điều hành CCHC của NHNN phải có sự thống nhất từ lãnh đạo cao nhất là đồng chí Thống đốc NHNN đến từng cán bộ, nhân viên trong Ngành, từ Trung ương đến địa phương và phải thực hiện bền bỉ, kiên trì, liên tục không có điểm dừng.

Thứ hai, NHNN thường xuyên giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình, kịp thời quán triệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ, Lãnh đạo NHNN, Ban chỉ đạo của Ngành đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong Ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.

Thứ ba, NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là (i) cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; (ii) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa, đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.

Thứ tư, phải tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Đây cũng là nền tảng để đưa nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Thứ năm, NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các chương trình cải cách TTHC, các giải pháp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Và cuối cùng, để triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC, phải tổ chức được mạng lưới công chức chuyên trách chất lượng, có trách nhiệm, năng động; ý thức trách nhiệm, năng lực công tác và đạo đức tác phong công vụ công chức trong toàn Ngành phải được quan tâm và nâng cao.

Quán triệt định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục coi trọng CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai kinh tế số và triển khai Chính phủ điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Căn cứ vào chủ trương, định hướng đó, NHNN đã xác định các nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021-2030 và hàng năm, trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: cải cách hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Hoa Hạ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan