Bloomberg: Đoạn tuyệt với khí đốt Nga, châu Âu thiệt đơn thiệt kép
Việc “cai nghiện” khí đốt của Nga đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1000 tỷ USD, dù vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, hãng tin Bloomberg trích dẫn các thống kê cho hay.
Theo Bloomberg, số tiền thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ USD xuất phát từ việc nguồn cung năng lượng khan hiếm kéo theo giá điện tăng. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề tới các công ty và người tiêu dùng châu Âu.
Đồng thời, Bloomberg dự đoán rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây.
Cũng theo các nhà phân tích của Bloomberg, sau khi mùa đông kết thúc, các kho chứa khí đốt sẽ trống rỗng và các nước châu Âu sẽ rất khó để lấp đầy chúng trong điều kiện nguồn cung cấp khí đốt của Nga ở mức tối thiểu.
Bloomberg cho rằng tình hình căng thẳng với việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2026, khi Qatar và Mỹ có thể tăng đủ sản lượng dầu khí để lấp đầy sự thiếu hụt. Điều này đồng nghĩa giá khí đốt tăng cao sẽ tiếp diễn.
Các nhà phân tích của Bloomberg cũng cho rằng nếu giá khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu (EU) tăng trở lại mức 210 euro/ megawatt giờ (MWh), thì châu Âu sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng thay vì kinh tế suy giảm.
Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), trong khi các chính phủ có thể giúp các công ty và người tiêu dùng trang trải phần lớn thiệt hại thông qua các khoản hỗ trợ trị giá 700 tỷ USD thì tình trạng khẩn cấp vẫn có thể kéo dài trong nhiều năm.
Bloomberg cho rằng khả năng tài chính của các chính phủ đang trong tình trạng căng thẳng. Khoảng một nửa số quốc gia thành viên EU gánh nợ với tổng giá trị đã vượt quá giới hạn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối.
Do đó, với lãi suất tăng và việc các nền kinh tế có khả năng đã suy thoái, những khoản hỗ trợ đã giảm bớt thiệt hại cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Theo tính toán của Bloomberg, người tiêu dùng và các công ty thuộc các nước EU đã phải trả thêm khoảng 1.000 tỷ USD do giá năng lượng đắt đỏ hơn, nhưng không phải tất cả đều đều được bù đắp bằng các gói hỗ trợ.
Ở động thái liên quan, hiện EU đang xem xét hạ trần giá khí đốt xuống mức thấp hơn so với đề xuất trước đó của Ủy ban châu Âu (EC) là 275 euro/MWh, trước khi các Bộ trưởng Năng lượng của khối nhóm họp vào ngày 19/12 để thông qua biện pháp này.
Một số quốc gia EU, bao gồm Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha, đã chỉ trích đề xuất này của EC, cho là không bao giờ có thể kích hoạt được việc áp giá trần.
Trong khi đó, các quốc gia EU khác bao gồm Đức, Hà Lan và Áo, coi mức giá trần này là quá cứng nhắc và là mối đe dọa đến nguồn cung, có nguy cơ khiến hoạt động giao hàng bị chuyển hướng từ châu Âu sang các thị trường sinh lời hơn ở châu Á.
Xem thêm >> Hứng liên tiếp 9 đòn trừng phạt, Nga nói ‘chính người dân châu Âu sẽ gánh hậu quả’