Bí thư các xã ở Gia Lai sẽ "làm hết việc chứ không làm hết giờ"
Sau khi chính quyền mới hoạt động, tỉnh đang gấp rút xây dựng các chỉ số phát triển, đánh giá tiềm năng các xã, phường mới để phân giao chỉ tiêu.
Ông Lê Từ Bình (ở giữa) nhận quyết định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Bình An. Ảnh: Hoài Phương
Tỉnh mới đang "chạy tốt"
Từ ngày 1.7, các tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền tỉnh mới sau sắp xếp, sáp nhập. Tại tỉnh Gia Lai mới - địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, công tác giải quyết dịch vụ công tại 135 xã, phường được triển khai đồng loạt, bước đầu ghi nhận nhiều hiệu quả.
Tuy vậy, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình vận hành ở một số nơi vẫn xuất hiện những điểm nghẽn, chưa thông suốt toàn diện. Đây là điều dễ hiểu, bởi mọi thứ vẫn còn rất mới mẻ - từ bộ máy chính quyền, cách thức vận hành, địa giới hành chính cho đến không gian phát triển.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết, nhờ chủ động nhận diện, đánh giá tình hình và chuẩn bị kỹ lưỡng các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính công, các địa phương cấp xã của tỉnh mới đã vận hành ổn định ngay từ ngày đầu tiên.
"Tuy nhiên, chưa thể hoàn hảo 100%, vì ở một số xã xa xôi vẫn còn một vài trục trặc nhỏ, song không đáng kể. Tỉnh đã thành lập riêng một nhóm để theo dõi, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn phát sinh", ông Tuấn cho biết và khẳng định hiện hệ thống chính quyền đã hoàn tất công tác chuyển đổi và đang "chạy tốt"
Theo ông Tuấn, trước thời điểm sáp nhập 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai cũ, phía Bình Định đã giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 cho 58 đơn vị hành chính cấp xã mới, kể cả chỉ tiêu cho Bí thư và Chủ tịch cấp xã.
Khi 2 tỉnh đã "về chung một nhà", Gia Lai mới đang gấp rút xây dựng các chỉ số phát triển, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của 77 xã, phường còn lại, để phân giao chỉ tiêu trong tháng 7.2025, đúng theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng.
Tới đây, các sở, ngành sẽ xây dựng lại chương trình công tác, các chỉ số phát triển 6 tháng đầu năm của từng ngành, hoàn thành trong nửa đầu tháng 7. Đồng thời hợp nhất quy hoạch riêng của 2 tỉnh cũ thành bản quy hoạch tổng thể cho tỉnh Gia Lai mới, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và dư địa phát triển của địa phương.
Chỉ tiêu - thử thách của Bí thư, Chủ tịch cấp xã mới
Là một trong những cán bộ chủ chốt được phân công về cấp xã trong bộ máy tỉnh Gia Lai mới, ông Lê Từ Bình - Bí thư Đảng ủy xã Bình An - xác định nhiệm vụ lần này hết sức nặng nề.
Bởi với ông, từ cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định cũ chuyển sang làm Bí thư xã mới, tính chất công việc đã thay đổi rất nhiều, nhất là về phạm vi, lĩnh vực công tác và tính chất lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Bình vẫn giữ tâm thế sẵn sàng đón nhận thử thách, quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao.
Theo ông Bình, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh giao cho xã Bình An được xây dựng trên cơ sở hợp nhất chỉ tiêu của 4 xã cũ (Tây Vinh, Tây Bình, Bình Hòa và Bình Thành), đồng thời bổ sung các chỉ tiêu phát sinh liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, khu tái định cư...
"Những con người trong bộ máy xã Bình An đều mang tinh thần làm việc "Hết việc chứ không hết giờ; việc ngày nào phải xong ngày đó", và đặc biệt là phải phù hợp với tình hình thực tế, khi khối lượng công việc của xã mới là rất lớn.
Với sự quyết tâm cao nhất, xã Bình An sẽ tìm ra giải pháp, tận dụng tối đa nguồn lực địa phương, bằng mọi giá phải hoàn thành tốt các chỉ tiêu tỉnh giao. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là thử thách đối với từng Bí thư, Chủ tịch xã", ông Bình khẳng định.
Chỉ tiêu là tiêu chí đánh giá cán bộ
Tại kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Gia Lai mới (ngày 1.7), ông Hồ Quốc Dũng đề nghị toàn thể lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải nhanh chóng bắt tay vào công việc.
"Ngay trong tuần sau, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cần hoàn tất việc giao chỉ tiêu cho các xã, phường mới. Đánh giá cán bộ dựa trên cơ sở chỉ tiêu được giao. Hiện đã bỏ cấp huyện, nếu không giao chỉ tiêu, không giám sát, quản lý chặt chẽ, không khéo mỗi xã, phường thành "một thế giới" trong điều hành", ông Dũng đề nghị.