Báo chí chuyển đổi số để gia tăng lợi thế cạnh tranh
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và báo chí cũng không nằm ngoài xu thế đó
Không thể đứng ngoài cuộc, báo chí hiện nay phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Việc chủ động chuyển đổi số không chỉ giúp các cơ quan báo chí tồn tại mà còn đem lại những lợi thế cạnh tranh, phục vụ công chúng tốt hơn và tạo nguồn thu mới.
Theo thống kê từ Cục Báo chí, tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816; trong đó báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230, báo chí điện tử là 29. Có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương là 164; địa phương là 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử.
Ngoài ra hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới, sự 'bành trướng' của mạng xã hội và các nền tảng công nghệ đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin. Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web.
Ảnh minh họa |
Theo SimilarWeb, 6 tháng gần nhất, lượng truy cập của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%. Sự giảm vai trò ảnh hưởng của báo chí trên không gian mạng còn kéo theo những hệ lụy xã hội khác. Do đó, chuyển đổi số là một lời giải cho đổi mới sáng tạo để báo chí cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, khi bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận thông tin, báo chí phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn. Báo chí phải coi độc giả là trung tâm. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, phát triển nền báo chí dữ liệu...
Tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang nghiên cứu sẽ tổ chức đào tạo về quản lý và quản trị cho lãnh đạo các cơ quan báo chí. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số báo chí là "vấn đề không còn cách nào khác". Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và lớn nhất đến làm báo. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý các cơ quan báo chí nên đầu tư về công nghệ để đưa nội dung đến gần với người dân hơn bằng cách sử dụng thành tựu của khoa học công nghệ; tạo nền tảng cho người dân tham gia viết báo, làm báo; tương tác với người dân nhiều hơn...
Nhiều chuyên gia cho rằng, không có 'đáp án' chung cho tất cả các cơ quan báo chí nhưng con đường đích cuối hướng đến chắc chắn sẽ phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ định hình lại bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam và tương lai của các cơ quan báo chí là phải đẩy mạnh digital. Nếu các cơ quan báo chí trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ mất dần sự kết nối độc giả, mất nguồn thu.
Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu...
Từ các căn cứ thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông trong thời gian qua cũng như trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã phối hợp cùng Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn khi tiến hành sự thay đổi mang tính “lịch sử”, quyết định tới sự sống còn của một cơ quan báo chí.
Lấy ví dụ về quá trình chuyển đổi số ở báo Nhân Dân thời gian qua, ông Lê Quốc Minh cho biết, sự thay đổi không chỉ nằm ở việc cấu trúc lại nội dung, thay đổi măng sét của báo in và báo điện tử mà còn nằm ở việc tích hợp hàng loạt giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm cho độc giả, có thể kể đến như sử dụng QR Code để độc giả báo in dễ dàng tiếp cận thông tin của báo điện tử nhằm tăng khả năng lưu trang cũng như đọc các tin tức mới hay Podcast giúp người dùng không chỉ thuận tiện trong việc nghe tin tức mà còn làm tăng lượng độc giả trung thành.
Không chỉ thực hiện chuyển đổi số ở khâu sản xuất nội dung, tổ chức tòa soạn, báo Nhân Dân còn áp dụng sâu công nghệ nhằm thu hút độc giả. Ví dụ như: sử dụng trí thông minh nhân tạo để đo lường, phân tích nhu cầu và thói quen đọc, từ đó, đưa ra các gợi ý tin tức phù hợp với từng độc giả. Hay sử dụng báo chí tự động viết bằng robot nhằm phát huy tối đa tính tốc độ của báo chí nhưng lại không tốn nhân sự. Thậm chí, báo Nhân Dân còn khai thác triệt để trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok … và đã thu được lượng lớn độc giả trong độ tuổi từ 18-24. Đây là những người thường xuyên sử dụng các mạng xã hội nói trên.
Có thể thấy rằng, trước xu thế chuyển đổi số, báo chí sẽ khó tồn tại khi vẫn duy trì kết nối độc giả bằng nền tảng truyền thống. Các cơ quan báo chí có lẽ chỉ có mỗi con đường đó là chuyển đổi số dù đi nhanh hay đi chậm trong quá trình này tùy thuộc vào mỗi tờ báo đó.