Ba phương án điều chỉnh hướng tuyến giúp giảm chi phí dự án Vành đai 4 TP. HCM
Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa báo cáo UBND TP. HCM về các phương án đầu tư đường vành đai 4 TP. HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án vành đai 4 TP. HCM dài gần 200km đi qua năm địa phương gồm TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
TP. HCM sẽ thực hiện một đoạn dài 17km đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai đi qua hai huyện Củ Chi và Nhà Bè.
Ở giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư trước 4 làn xe rộng 19,75m và đường song hành hai bên rộng từ 7-9m ở một số đoạn đi qua khu dân cư hiện hữu. Ngay trong giai đoạn 1, dự án sẽ giải tỏa mặt bằng một lần rộng 74,5m (tương đương 8 làn xe và đường song hành hai bên).
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM chấp thuận nghiên cứu bổ sung 3 phương án hướng tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư dự án.
Phương án 1 theo hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch Vành đai 4, dài 17,35km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 17.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 26.000 tỷ đồng.
Phương án trên có 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu nên diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất, tuy nhiên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất so với các phương án còn lại, khó kết nối giao thông khu vực.
Phương án 2, nắn chỉnh đoạn 9,7 km đầu về phía Nam 0-160 m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu; đoạn tiếp dài 3,7 km nắn về phía Nam 0-120 m, tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại trùng tim quy hoạch.
Chiều dài tuyến theo phương án 2 là 17,29 km, vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 22.300 tỷ đồng. Tuyến này cơ bản tránh các đường hiện hữu, ít hộ di dời, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, không ảnh hưởng nối kết giao thông khu vực.
Phương án 3 nắn chỉnh đoạn 14,1 km tuyến về phía Nam 0-1.300 m, tránh các đường hiện hữu. Đoạn 2,5 km còn lại trùng tim quy hoạch. Tuyến dài 16,75 km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.600 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 22.000 tỷ đồng. Phương án này có tuyến tránh xa các đường hiện hữu, ít hộ phải di dời, chi phí mặt bằng thấp.
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM giao Sở chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, huyện Củ Chi, rà soát, thống nhất hướng tuyến, các nút giao trên tuyến để tham mưu thành phố xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải.
Vành đai 4 dài gần 200 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Dự án được duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay tiến độ rất chậm, sau nhiều năm đầu tư dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 21 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương.