Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 17-23/6
Tuần tới, thông điệp từ các ngân hàng trung ương Anh, Thụy Sĩ và Na Uy dự kiến sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tốc độ cắt giảm lãi suất trên toàn cầu đang chậm lại, trong khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ và Trung Quốc sẽ là phép thử về khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.
Dưới đây là những sự kiện quan trọng trong tuần 17-23/6 sẽ tác động tới lĩnh vực tài chính toàn cầu:
1/ Hàng loạt ngân hàng lớn họp về chính sách
Các ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Na Uy sẽ tổ chức kỳ họp chính sách vào thứ Năm (20/6).
Ngân hàng Anh (BOE) có thể sẽ dập tắt mọi hy vọng mà đảng Bảo thủ cầm quyền mong đợi về việc cắt giảm lãi suất trước ngày bầu cử ngày 4 tháng 7. Các thị trường hiện dự đoán việc BOE nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ đến muộn hơn thay vì sớm hơn, với khoảng 40% khả năng sẽ thwcj hiện vào tháng 8 và 70% khả năng vào tháng 9, do lạm phát lương và dịch vụ tiếp tục gia tăng.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã khởi động việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Hiện thị trường dự đoán 50-50 khả năng họ sẽ thực hiện một đợt cắt giảm khác vào thứ Năm (20/6) sau khi lạm phát ổn định trong tháng Ba. Na Uy, dự kiến không vội cắt giảm lãi suất với lạm phát cơ bản khoảng 4%, sẽ công bố dự báo mới về triển vọng kinh tế. Ngân hàng trung ương Australia sẽ họp vào thứ Ba (18/6) và dự kiến sẽ không hạ lãi suất trong một khoảng thời gian, có thể là vài tháng.
Sau cuộc chạy đua tăng lãi suất khi lạm phát gia tăng, động thái trên toàn cầu đang hướng tới cắt giảm lãi suất, nhưng tốc độ giảm diễn ra chậm chạp.
2/ Dữ liệu bán lẻ của Mỹ
Các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá sức mạnh của nền kinh tế Mỹ - và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, điều hiện không được mong đợi trước tháng 9 - sẽ phân tích kỹ lượng số liệu doanh số bán lẻ hàng tháng, sẽ công bố vào ngày 18/6.
Theo kết quả khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự đoán doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 5 sẽ tăng 0,3%, sau khi bất ngờ đi ngang trong tháng 4.
Chi tiêu tiêu dùng là lĩnh vực trọng tâm chú ý của Phố Wall khi các nhà đầu tư tìm cách đánh giá tác động của lãi suất cao đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Dữ liệu hồi đầu tháng này cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 5 đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến và mức tăng lương hàng năm đã tăng trở lại.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ không thay đổi trong tháng 5 do xăng và các hàng hóa khác rẻ hơn bù đắp chi phí thuê nhà đắt lên.
3/ Hy vọng vào dữ liệu từ Trung Quốc
Các nhà đầu tư đang giảm các giao dịch để chờ đợi sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, đặc biệt là khi lĩnh vực bất động sản tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng.
Dữ liệu về giá nhà của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Hai (17/6) - lần công bố đầu tiên sau khi Bắc Kinh vào tháng trước thông báo các bước đi "lịch sử" nhằm ổn định thị trường bất động sản, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Sản lượng công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và dữ liệu doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5 cũng sẽ được công bố, với hy vọng doanh số bán lẻ có thể cho thấy mức tăng mạnh hơn sau dữ liệu của tháng 4 gây thất vọng.
Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây tiếp tục cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải có thêm biện pháp kích thích, có thể sẽ thể hiện ở quyết định về lãi suất cho vay cơ bản, công bố vào thứ Năm (20/6).
Quan hệ thương mại căng thẳng càng làm gia tăng rắc rối khi châu Âu chuẩn bị áp thuế bổ sung đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
4/ Thị trường cacao nóng lên
Giá ca cao đã trở lại trên ngưỡng 10.000 USD/tấn và tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại do cuộc khủng hoảng nguồn cung của nguyên liệu chocolate trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh thiếu hụt trên toàn cầu do thời tiết bất lợi, đầu tư vào các trang trại ca cao thất thường và hoạt động mua vào của các nhà đầu cơ.
Nhà sản xuất cacao hàng đầu thế giới - Bờ Biển Ngà - đã tạm dừng xuất khẩu ca cao trong tháng 6 và những ngày gần đây đã chuyển sang bán cacao của vụ tiếp theo. Quốc gia sản xuất lớn thứ hai thế giới là Ghana đang tìm cách trì hoãn việc giao 350.000 tấn hạt của vụ này để chuyển sang hạt của vụ tới do mùa màng kém.
Ca cao đã tăng giá gấp hơn 2 làn trong năm nay và hiện đắt hơn nhiều kim loại. Các nhà sản xuất chocolate đang chuyển gánh nặng giá cả sang vai người tiêu dùng hoặc đang điều chỉnh sản phẩm của mình. Nguồn cung cacao từ các nước ngoài châu Phi như Brazil và Ecuador sẽ phải mất một thời gian để tiếp cận thị trường.
5/ Giải vô địch bóng đá châu Âu
Giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA bắt đầu vào thứ Sáu (21/6) tại Munich và với 24 đội chơi 51 trận trong 22 ngày thi đấu, sẽ không chỉ có Cristiano Ronaldo, Kylian Mbappe và Harry Kane hy vọng sẽ ghi nhiều bàn thắng ở Đức.
Các quán bia và công ty ở Đức hy vọng người hâm mộ sẽ uống nhiều bia hơn và mua những chiếc TV lớn. Berlin kỳ vọng giải đấu mang lại cho nền kinh tế đang ì ạch của mình sự thúc đẩy tương tự như World Cup 2006 nóng bỏng đã làm được.
Các nhà sản xuất trang phục thi đấu đang tăng tốc - gần 2/3 số đội được tài trợ bởi Nike và Adidas, bao gồm cả hai đội bóng được yêu thích nhất là Anh và Pháp cũng như chủ nhà Đức. Riêng các hợp đồng mua trang phục thi đấu của Pháp, Đức và Anh đã trị giá hơn 150 triệu USD.
Dưới đây là một số số liệu thống kê cần xem xét: Con số khổng lồ 330 triệu người đã xem trận chung kết Ý và Anh năm 2020 - cao hơn gấp đôi so với lượng người xem Super Bowl.
Tham khảo: Reuters