Giọng hát hay Hà Nội, sức hút của một biểu tượng âm nhạc Thủ đô
Cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội" từ lâu đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô. Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1997, cuộc thi đã trải qua hành trình gần ba thập kỷ trưởng thành, khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng âm nhạc xuất sắc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, cuộc thi không chỉ là một sân chơi, cuộc thi còn là nơi hội tụ những giọng ca ưu tú, đại diện cho hình ảnh thanh lịch và tài hoa của người Hà Nội.
Top 12 chung kết thể hiện ca khúc Hà Nội 12 mùa hoa (Sáng tác: Giáng son)
Mùa giải năm nay càng trở nên đặc biệt khi "Giọng hát hay Hà Nội" diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chủ đề "Hà Nội – Một trái tim hồng" được lựa chọn không chỉ nhằm tôn vinh vẻ đẹp của Hà Nội, mà còn gửi gắm thông điệp về sự tự hào và gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Cuộc thi trở thành dịp để người dân ôn lại những trang sử hào hùng, đồng thời khơi dậy tình yêu với Thủ đô trong từng lời ca, tiếng hát.
Sức hút của "Giọng hát hay Hà Nội" không chỉ đến từ ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa mà còn nằm ở những dấu ấn mà cuộc thi đã để lại qua từng mùa giải. Đây chính là bệ phóng quan trọng cho nhiều nghệ sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Những tên tuổi lớn như NSND Thanh Lam, NSND Tấn Minh, Diva Hồng Nhung, Mỹ Linh, NSƯT Đăng Dương, Tùng Dương và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đều từng bước ra từ sân chơi này, khẳng định tầm ảnh hưởng của "Giọng hát hay Hà Nội" trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng.
Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện tài năng, "Giọng hát hay Hà Nội" còn là nơi lan tỏa giá trị văn hóa của Thủ đô – trái tim văn hóa của cả nước. Qua những ca khúc về Hà Nội, các thí sinh không chỉ thể hiện tài năng mà còn bày tỏ tình yêu sâu sắc đối với Thủ đô, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Những bài hát đậm chất Hà Nội được thể hiện trên sân khấu không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô nghìn năm văn hiến mà còn làm phong phú thêm bản sắc âm nhạc dân tộc.
Giải dành cho thí sinh hát về Hà Nội hay nhất đã thuộc về Lưu Thị Hương Thảo với Liên khúc Người Hà Nội – Hà Nội niềm tin và hi vọng (Sáng tác: Nguyễn Đình Thi và Phan Nhân)
Bên cạnh việc phát hiện và định hướng tài năng, cuộc thi còn nhấn mạnh nỗ lực sáng tạo làm động lực tìm kiếm, nuôi dưỡng tài năng trẻ để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội và Việt Nam. Đây là nơi hội tụ, lan tỏa những giá trị nghệ thuật, kết nối với xu hướng âm nhạc thế giới, mở ra con đường mới cho các nghệ sĩ trẻ chinh phục các sân khấu lớn trên trường quốc tế.
Điểm đặc biệt của mùa giải 2024 không chỉ nằm ở việc kế thừa những giá trị truyền thống mà còn ở những cải tiến mang tính đột phá. Lần đầu tiên trong lịch sử, đêm chung kết của cuộc thi đã được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 – một dấu mốc quan trọng khẳng định uy tín ngày càng lớn của "Giọng hát hay Hà Nội". Đây không chỉ là cơ hội để các thí sinh tỏa sáng trước công chúng cả nước mà còn là cách để ban tổ chức đưa cuộc thi đến gần hơn với khán giả, lan tỏa giá trị nghệ thuật của Thủ đô.
Nguyễn Thị Thùy Linh – Giải nhất dòng nhạc nhẹ và Bùi Huyền Trang – Giải nhất dòng nhạc Thính phòng
Việc đưa đêm chung kết lên sóng truyền hình quốc gia còn thể hiện quyết tâm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong việc nâng cao vị thế của cuộc thi. Ngoài việc truyền hình trực tiếp, mùa giải năm nay còn gây ấn tượng bởi sự đầu tư kỹ lưỡng trong từng khâu tổ chức. Các vòng thi, từ sơ tuyển, bán kết đến chung kết, đều được thực hiện với tiêu chuẩn cao, đảm bảo tính minh bạch và chuyên nghiệp.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).