A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cú hích tiêu thụ nông sản từ lễ hội

Lễ hội, ngày hội đang là một trong những kênh phân phối tiềm năng, hỗ trợ rất nhiều cho các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX trong việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Hầu hết các tỉnh thành hiện nay đều gắn tổ chức các lễ hội, ngày hội với tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Tại đây, không chỉ các mặt hàng đặc trưng, có giá trị của địa phương được trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ mà còn có thêm cả những mặt hàng của các địa phương khác, góp phần đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tham gia lễ hội.

Cú hích trong tiêu thụ

Việc gắn nông sản với tổ chức các lễ hội mà nhiều địa phương đã và đang làm là sự sáng tạo. Bởi lễ hội luôn có không khí sôi động, có không gian trải nghiệm, không giới hạn số lượng người và thành phần tham dự. Đây là điều kiện thuận lợi để các mặt hàng, các sản phẩm nông nghiệp được nâng tầm về hình ảnh, giá trị, mở ra cơ hội tiêu thụ thuận lợi, rộng khắp.

Đặc biệt thông qua lễ hội, nhiều nông sản, hàng hóa của các HTX đã có cơ hội xuất khẩu, HTX cũng xây dựng được mối quan hệ với các đối tác tiềm năng.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Hải Dương), cho biết trước đây cà rốt chỉ bán được giá 2.000-4.000 đồng/kg, nay cà rốt đã có giá 6.000-10.000 đồng/kg. Ngoài ra cà rốt của HTX còn được xuất khẩu 80-90% trên tổng sản lượng. Điều này một phần là địa phương đã mở lễ hội riêng về cà rốt, giúp thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia về kết nối, hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi.

-3167-1739956274.jpg

Các gian hàng trong lễ hội là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Theo thống kê của UBND tỉnh Hòa Bình, trung bình mỗi lễ hội cam Cao Phong diễn ra trong 3 ngày, thu hút trên 12.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm (bình quân mỗi ngày có từ 3.000-5.000 lượt khách). Lễ hội mỗi năm giúp tiêu thụ trên 500 tấn cam, quýt các loại. Riêng ngày khai mạc, lượng cam quýt tiêu thụ trung bình khoảng 20-30 tấn.

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 9.000 lễ hội. Trung bình mỗi ngày nước ta có trên dưới 20 lễ hội đã có đăng ký và mỗi lễ hội lại mang đậm giá trị văn hóa cao đẹp nên rất thuận lợi để gắn tiêu thụ nông sản, hàng hóa thông qua hoạt động văn hoá - du lịch. Bởi các sản phẩm của địa phương, nhất là những sản phẩm OCOP luôn có sự đặc trưng, gắn liền với văn hóa, khí hậu, phong tục của từng nơi nên việc quảng bá, giới thiệu câu chuyện, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn.

Đặc biệt, với những lễ hội chuyên biệt cho từng loại nông sản sẽ mở ra kênh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Khi nhiều người biết tới, khâu tiêu thụ sẽ tốt hơn, tránh tình trạng giá cả trồi sụt và giúp nông sản có cơ hội được chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị cao.

Gắn thương mại-du lịch-văn hóa

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tổ chức các lễ hội nông sản là hướng đi hiệu quả cho ngành hàng này khi đã kết hợp hài hòa giữa du lịch-văn hóa với nông nghiệp. Điều này không chỉ làm mới hình thức, quy mô, tính chất, hiệu quả của hoạt động du lịch mà còn làm mới khâu quảng bá, tiêu thụ và thúc đẩy phát triển của ngành nông nghiệp.

Ngay như việc tiêu thụ lợn hơi và thịt lợn được giới chuyên gia đánh giá, nếu vào mùa lễ hội thì tình hình tiêu thụ sẽ luôn được cải thiện. Vì lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. Và thịt lợn vẫn là thực phẩm chính được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn trong các bữa ăn hàng ngày cũng như chế biến phục vụ các hoạt động ăn uống ngoài gia đình.

Nếu tính đơn giản, mỗi lễ hội tiêu thụ trung bình 2 tấn nông sản, hàng hóa sau chế biến thì mỗi năm, cả nước sẽ có ít nhất 18.000-20.000 tấn nông sản được tiêu thụ qua các lễ hội. Trong khi đây chỉ là con số tính toán “giản tiện” nhất. Bởi thực tế, nhiều lễ hội lớn, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa không dừng lại ở con số 2 tấn mà con số thực tế gấp hàng chục lần.

Trong khi tổng lượng nông sản của Việt Nam rất lớn, phần lớn là nông sản tươi nên cần tiêu thụ nhanh, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ. Do vậy việc tổ chức, nắm bắt các lễ hội một cách bài bản chính là cách tận dụng thị trường nội địa hiệu quả để tiêu thụ nông sản, từ đó giảm thiểu hư hỏng, giảm áp lực xuất khẩu và chế biến.

Huyền Trang


Tác giả: Cú hích trong tiêu thụ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết