Hà Tĩnh: Hơn 600 doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động
Trong 9 tháng năm nay tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn khi hơn 600 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động….
Cùng với đó, toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới 875 doanh nghiệp, giảm 16,98% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt 3.573 tỷ đồng, giảm 48,58% so cùng kỳ năm trước, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,08 tỷ đồng, giảm 38,06% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng là 282.
Hà Tĩnh đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua còn gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân đã ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp là do tình trạng thiếu nguồn vốn, biến động thị trường trong và ngoài nước, lãi suất ngân hàng tăng cao..
Theo dự báo xu hướng về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo ở Hà Tĩnh, có 76,6% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước.
Trong khi đó, có 23,4% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất quý tiếp theo khó khăn hơn so với hiện tại.
Quý III nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã tăng cường tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, song vẫn không tuyển đủ lao động mặc dù số lượng người thiếu việc làm rất nhiều. Cụ thể tính chung 9 tháng năm 2023, số lao động thất nghiệp của Hà Tĩnh ước tính có 18.173 người, chiếm 3,54% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và giảm 1,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Việc doanh nghiệp không tuyển đủ lao động do chế độ, chính sách làm việc cho người lao động của doanh nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn chưa đủ sức thu hút và giữ chân người lao động. Mặt khác mức lương vùng tại khu vực Hà Tĩnh khá thấp nên người lao động có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp ngoại tỉnh như: Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TPHCM… để tìm kiếm cơ hội việc làm.