Xuất nhập khẩu hàng hóa giữ đà tăng trưởng
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận sự khởi sắc rõ nét trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều khởi sắc.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì mức xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Riêng trong tháng 6/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 18,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 39,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng 5, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1%. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 16,3% và nhập khẩu tăng 20,2%, cho thấy đà phục hồi và mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước đang diễn ra mạnh mẽ.
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong hoạt động thương mại hàng hóa. Trong tháng 6, khu vực này xuất khẩu 30,85 tỷ USD (giảm 0,4% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ), chiếm gần 78,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước nhưng giảm 5,7% so với cùng kỳ. Xu hướng này kéo dài suốt 6 tháng đầu năm, khi khu vực FDI đạt 161,55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 16,4%, trong khi khu vực trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9,4%.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cho thấy vai trò áp đảo của nhóm hàng công nghiệp chế biến, với tổng kim ngạch đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng giá trị xuất khẩu. Các nhóm hàng khác như nông lâm sản (19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%), thủy sản (5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%) và nhiên liệu - khoáng sản (1,32 tỷ USD, chiếm 0,6%) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong nửa đầu năm, có tới 28 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch; riêng 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đóng góp 72,3%.
Về phía nhập khẩu, khu vực FDI cũng chiếm ưu thế với kim ngạch 139,38 tỷ USD trong 6 tháng, tăng 22,3% so với cùng kỳ, trong khi khu vực trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, nhóm tư liệu sản xuất tiếp tục chiếm tỷ trọng áp đảo, với tổng giá trị 198,92 tỷ USD, tương đương 93,7% tổng kim ngạch. Trong đó, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 51,2%; nhóm nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 42,5%. Nhóm vật phẩm tiêu dùng chỉ chiếm 6,3%, tương ứng 13,28 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ tới 62 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất siêu lớn khác gồm EU (19 tỷ USD, tăng 11,6%) và Nhật Bản (1,2 tỷ USD, tăng 69,1%). Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục nhập siêu lớn từ Trung Quốc (55,6 tỷ USD, tăng 42,2%), Hàn Quốc (14,6 tỷ USD) và ASEAN (7,5 tỷ USD).