Vốn hạ tầng: Tín dụng hay đầu tư?
Việc các ngân hàng thận trọng trong cho vay với các dự án BOT, không đồng nghĩa “đóng cửa” với lĩnh vực này.
Việt Nam cần 756.606 tỷ đồng (32,4 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Lắp đặt đường ray tuyến metro số 1, TP HCM
Năm 2022, các dự án PPP được đánh giá sẽ được tăng tốc, trên cơ sở của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo đó, gần 350 nghìn tỷ đồng được ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, trong khi chương trình ưu tiên hơn 113 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, thì theo Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT), nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong giai đoạn 2021-2025 lên tới 350.936 tỷ đồng, và khoảng 395.670 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030. Nói cách khác, trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam cần 756.606 tỷ đồng (32,4 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó 13,8 tỷ USD là huy động ngoài ngân sách. Do đó, áp lực cấp vốn cho các dự án BT, BOT giao thông là rất lớn.
Để đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng, việc đánh giá năng lực tài chính của các chủ đầu tư vừa là trách nhiệm của ngân hàng cấp một phần vốn vay, nhưng vừa là trách nhiệm của ban thẩm định dự án PPP.
Ngoài ra, theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã sử dụng “mỡ nó rán nó” để làm BOT, do đó đã đến lúc cần xây dựng một định chế tài chính vững mạnh theo mô hình quỹ đầu tư trên thế giới để trực tiếp rót vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng, thông qua phát hành trái phiếu công trình, đưa trái phiếu lên sàn giao dịch trái phiếu trong nước, và thậm chí là chứng khoán hóa sản phẩm gốc để phái sinh cho các lớp đầu tư cá nhân, tổ chức gián tiếp, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi.
“Quỹ cần phải có sự điều hành gồm cả các thành phần độc lập, đảm bảo không để thất thoát vốn và không để tư nhân “thao túng”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.