A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam là quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất khu vực châu Á

Theo bà Dương Thị Vĩnh Hà - Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, theo Tạp chí Nikkei Asia, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đứng thứ 8 trên thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) coi Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và thứ nhất khu vực châu Á. Ảnh: ST

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) coi Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và thứ nhất khu vực châu Á. Ảnh: ST

Hấp dẫn đầu tư thứ 2 thế giới

"Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản coi Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và thứ nhất khu vực châu Á" - bà Dương Thị Vĩnh Hà khẳng định và cho rằng: EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ) nhận định, Việt Nam được đánh giá thuộc Top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 30/11/2024, Việt Nam có 41.720 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Hiện đã có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam). Singapore đứng thứ hai với gần 82,3 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là các nền kinh tế lớn Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).

Trong 2 năm 2023-2024, dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, thu hút FDI toàn cầu có sự sụt giảm, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn có xu hướng tăng lên, năm 2023 đạt 39,4 tỷ USD, tăng gần 35% so với năm 2022. Còn năm 2024, theo dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng đạt khoảng 39-40 tỷ USD, vốn FDI giải ngân trong năm 2024 dự kiến cũng tăng từ 5-7% so với năm 2023. Mặc dù không tăng đột phá so với năm 2023, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá, FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài

Về xu hướng FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, bà Dương Thị Vĩnh Hà cho rằng, Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chậm lại các quyết định dầu tư vào Việt Nam do cá vấn đề nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đồng thời phát huy các lợi thế về cam kết thương mại của Việt Nam.

Singapore và các nước thứ 3 đặt tại Singapore cũng đang có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử, gia dụng, công nghệ và pin xe điện. Các quốc gia châu Âu thì đang đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng, trong đó một số lĩnh vực EU quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam là: Năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chíp bãn dẫn, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo…

Đặc biệt, bà Dương Thị Vĩnh Hà cho rằng, theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, 90% doanh nghiệp Đức mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi Hà Lan và Bỉ đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo.

Theo các chuyên gia kinh tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn trước năm 1995; giai đoạn 1995-2007 và giai đoạn 2007 đến nay. Khu vực FDI đã đóng góp trực tiếp, quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua đóng góp vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cân bằng và thặng dư thương mại, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, gia tăng dự trữ ngoại hối và ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo hiệu ứng lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo việc làm và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI còn hạn chế, do có sự mất cân đối trong thu hút và sử dụng FDI theo địa bàn, lĩnh vực và đối tác. Liên kết, tương tác giữa khu vực FDI với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao. Cùng với đó, các mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI chậm được khắc phục, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.

Theo đó, để FDI đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế, định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung, bao gồm: Tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định; thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Phát triển kinh tế xanh và bền vững thông qua thúc đẩy các dự án vào công nghiệp xanh, năng lượng sạch và phát triển đô thị bền vững. Phát triển các khu vực có cơ chế chính sách đặc thù và phát triển tài chính số, tài chính xanh...

Theo Báo Công thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết