Vàng nhẫn trơn sáng 13/3 đột ngột rớt giá mạnh
Sáng 13/3, giá vàng trong nước có diễn biến bất ngờ khi giá vàng nhẫn trơn 24k (9999) tại các cửa hàng đồng loạt quay đầu lao dốc, mức điều chỉnh có nơi lên đến 1,5 triệu đồng/lượng.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng nhẫn trơn giảm thêm 100 nghìn đồng/lượng so với lúc 9h00, hiện niêm yết còn 68,0-69,3 triệu đồng/lượng. So với hôm qua, loại vàng này đã giảm 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC cũng tiếp tục giảm 400 nghìn đồng mỗi lượng xuống 79,8-81,8 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn trơn còn 68,48-69,88 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng so với hôm qua.
Cụ thể, lúc 9h00, tập đoàn DOJI giảm đến 1,5 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn trơn, hiện niêm yết còn 68,40-69,60 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC giảm 250 nghìn đồng/lượng xuống 80,00-82,00 triệu đồng/lượng
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng nhẫn 9999 hiện nay ở mức 68,1-69,4 triệu đồng/lượng, giảm tới 900 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng SJC cũng được điều chỉnh giảm 300 nghìn đồng/lượng xuống mức 80,2-82,2 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn đang được niêm yết ở mức 69,48-70,78 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 500 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng SJC tại đây đi ngang ở mức 80,20-82,10 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tối ngày 12/3 (giờ Việt Nam) lao dốc mạnh, "bốc hơi" gần 30 USD/ounce xuống còn 2.155 USD/ounce. Lúc 9h00 sáng 13/3, giá vàng quốc tế ở mức 2.158 USD/ounce, tương đương với 64,5 triệu đồng/lượng theo tỷ giá USD ngân hàng và 66,6 triệu đồng/lượng theo tỷ giá USD trên thị trường tự do.
Vàng bị chốt lời mạnh sau khi dữ liệu mới về CPI của Mỹ được công bố, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng 1 đầu năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đạt mức tăng cao nhất trong 5 tháng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Giới phân tích cho rằng, với dữ liệu này, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể hoãn việc cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm. Trước khi thực hiện cắt giảm lãi suất, các quan chức cấp cao của FED muốn có bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang chậm lại và về với mục tiêu 2%. Nhưng báo cáo CPI tháng 2 không đáp ứng được thông tin mà họ mong chờ.