Tỷ giá USD/VND trước sóng gió
Tuần qua, đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ lần lượt có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một lần nữa thông điệp "hướng tới cán cân thương mại song phương hài hòa và bền vững" giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đưa ra.
Dù không thông tin cụ thể, nhưng các buổi làm việc trên được chú ý, đặt trong bối cảnh ngày 13/1 vừa qua Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố danh sách 10 quốc gia cần "chú ý theo dõi" các hoạt động tiền tệ, trong đó có Việt Nam.
Bối cảnh trên từng hình thành trong năm 2019; nay là sự nối tiếp. Nếu năm trước, Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá ổn định và VND đã thể hiện là đồng tiền ổn định hàng đầu trên thế giới, thì năm nay một số dự báo ban đầu tiếp tục kỳ vọng vào khả năng không có nhiều biến động.
Còn hiện tại, một lần nữa tỷ giá USD/VND lại đứng trước sóng gió: tác động của dịch cúm corona tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Tỷ giá USD/VND từng rất nhạy cảm, từng có nhiều biến động mạnh trước các tác động lớn như biến cố trên biển Đông, bầu cử Tổng thống Mỹ, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ… Nay, với tác động của dịch cúm corona, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định.
Tuần qua, tại cuộc tiếp xúc với giới phân tích và nhà đầu tư, ông Vũ Minh Trường, Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường Tài chính Techcombank điểm lại những biến động vừa thể hiện trên thị trường khu vực.
Sóng gió từ dịch cúm corona được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến các đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh, đặc biệt như đồng Bath Thái Lan đã mất giá tới khoảng 6%, đồng Won của Hàn Quốc khoảng 5% và đồng đô la Singapore mất khoảng 4%...
"Tuy vậy thì tiền đồng (VND) của chúng ta hiện nay vẫn khá là ổn định và có thể mất giá khoảng chỉ 0,2-0,3% thôi. Rất là nhẹ", ông Vũ Minh Trường nhìn lại.
Nhưng xa hơn, triển vọng năm 2020, đại diện Techcombank dự tính luồng thu về ngoại hối của Việt Nam sẽ giảm xuống; dự kiến mất khoảng 5 tỷ USD về doanh thu, thu nhập ngoại tệ về du lịch…
Dịch cúm corona dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng bất lợi đến dòng kiều hối năm nay, với bối cảnh kinh tế chung có thể khó khăn hơn đối kiều bào, lao động của Việt Nam ở nước ngoài.
"Vì vậy năm nay khả năng cao là Việt Nam sẽ không mua được 20 tỷ USD như năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng là Ngân hàng Nhà nước sẽ mua được khoảng 10 tỷ USD nữa và dẫn đến là Việt Nam cũng sẽ có thể có lượng dự trữ ngoại hối lên đến 90 tỷ USD", Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường Tài chính Techcombank kỳ vọng.
Và theo đó, ông Vũ Minh Trường nhận định tỷ giá USD/VND có thể có biến động nhẹ, không phải biến động mạnh như các nước trong khu vực, và như vậy vẫn đảm bảo cho các hoạt động thanh toán quốc tế, xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp, không có quá nhiều rủi ro.
Như vậy, sự ổn định của tỷ giá USD/VND ngay trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam chịu tác động bất lợi của dịch cúm corona (trong khi chứng khoán, giá vàng, nhiều đồng tiền trong khu vực biến động mạnh) trước hết củng cố niềm tin thị trường vào VND.
Thứ nữa, như đại diện Techcombank nhận định, không có quá nhiều rủi ro ở tỷ giá USD/VND đồng nghĩa với hoạt động thanh toán, sản xuất, kinh doanh, cân đối kế hoạch tài chính của doanh nghiệp… cũng giảm thiểu đi chi phí dự phòng hoặc thiệt hại có thể phát sinh bởi biến động tỷ giá, để tập trung hơn và chủ động hơn trong hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh được nhìn tới: trong bối cảnh xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch cúm corona, nhiều đồng tiền trong khu vực và cũng là các bên cạnh tranh với hàng Việt Nam giảm giá mạnh, thì VND quá ổn định sẽ hạn chế ở việc hỗ trợ cạnh tranh xuất khẩu.
Xoay quanh tỷ giá có những cân đối, những mục tiêu khác nhau, thậm chí có thể mâu thuẫn nào đó. Nhưng nếu nhìn ngược lại, quãng cuối năm 2019 đầu 2020, nếu như không có Ngân hàng Nhà nước chặn mua vào liên tục với lượng lớn, tỷ giá USD/VND chắc chắn đã rơi rất sâu - đồng nghĩa với VND lên giá mạnh mà bất lợi cho xuất khẩu.
Thực tế trên thị trường liên ngân hàng quãng đó đã ghi nhận giá USD rơi hẳn xuống dưới "ngưỡng chặn" 23.175 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, trước khi cân bằng lại cho đến nay.