A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ giá chịu áp lực lớn, VND có thể sẽ giảm xuống mức thấp mới trong năm 2025?

Tỷ giá USD/VND nhiều khả năng vẫn sẽ chịu áp lực lớn trong năm 2025 không chỉ đến từ những yếu tố bên ngoài mà cả từ những yếu tố bên trong do chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục phải nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn do đồng USD mạnh lên và nguy cơ Mỹ tiếp tục điều tra Việt Nam với cáo buộc thao túng tiền tệ, dẫn đến những áp lực nhất định lên tăng trưởng tín dụng, cung tiền và hoạt động của ngành ngân hàng.

Dự trữ ngoại hối sụt giảm

Tháng 10 và tháng 11/2024, đồng USD đảo chiều tăng giá mạnh so với VND và các đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Giới phân tích đánh giá, nguyên nhân có thể do các cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cữ Mỹ Donald Trump bao gồm việc áp dụng thuế suất tối thiểu 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế suất chung toàn cầu 10 - 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Biến động tỷ giá chưa có dấu hiệu dừng lại khi đầu tháng 12, chỉ số USD (DXY) ghi nhận sự tăng trở lại sau khi giảm đáng kể trong tuần trước. Hiện, chỉ số DXY đang neo ở mức trên 106 điểm, tương đương vùng đỉnh tháng 4 và 6/2024. Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng của Việt Nam cũng gần chạm trần, lên mức 25.400 VND/USD.

Ngày 3/12, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 23.400 - 25.450 VND/USD (mua vào - bán ra).

-7158-1733225413.jpg

Trong 3 năm qua, VND đã mất giá tổng cộng gần 11%.

Trước đó, khi tỷ giá biến động mạnh, có thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Dữ liệu gần nhất tính từ đầu năm đến tháng 9/2024 của ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP WiGroup cho biết, NHNN đã bán ra ước khoảng 7 tỷ USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối còn tương đương 2,8 tuần nhập khẩu, "ngưỡng có phần nhạy cảm" khi thị trường có biến động lớn, ông Báu nhận định.

Ở một con số tính toán khác, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, lượng ngoại hối bán ra thị trường từ NHNN khoảng hơn 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối còn khoảng 83 tỷ USD, tương đương đáp ứng được khoảng 2,6 tuần nhập khẩu. Ông Tú Anh cũng đánh giá đây là mức "tiệm cận ngưỡng nhạy cảm" và để giảm bớt rủi ro từ bên ngoài, NHNN cần giữ lãi suất đủ cao để hỗ trợ đồng nội tệ nhưng phải điều chỉnh hợp lý để không làm suy yếu nền kinh tế.

Các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra nhận định, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8-10 tỷ USD). Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.

Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối tiếp tục sụt giảm, các chuyên gia của Công ty chứng khoán HSC dự báo NHNN sẽ phải cân nhắc nâng lãi suất điều hành để hỗ trợ VND và bổ sung dự trữ. Ngoài ra, VND suy yếu có thể làm tình trạng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó có thể dẫn đến những vấn đề tương tự như năm 2020.

Lãi suất điều hành có thể tăng vào cuối năm 2025

Theo phân tích của Ngân hàng UOB, với tình hình kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và kéo dài sang năm 2025, NHNN không chịu nhiều sức ép phải vội vàng nới lỏng chính sách. Chỉ số lạm phát vẫn ở mức dưới mục tiêu 4,5% kể từ tháng 6/2023, do đó giảm bớt phần lớn áp lực cho NHNN.

Tuy nhiên, với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời Trump 2.0 và sức mạnh của đồng USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, NHNN dự kiến ​​sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VND. Do đó, lãi suất tái cấp vốn có thể được nhà quản lý duy trì ở mức hiện tại là 4,50%.

“Mặc dù có nền tảng vững chắc, VND vẫn bị kìm kẹp bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump. Do đó, VND có thể sẽ giảm giá xuống mức thấp mới”, UOB dự báo.

Trong khi đó, HSC dự báo  xu hướng tăng giá của đồng USD có thể sẽ tiếp diễn, đặc biệt là nếu ông Trump thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng và triển khai chính sách thuế quan. Những biện pháp này có thể giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Mỹ nhưng cũng sẽ làm lạm phát tăng lên. Vì vậy, HSC cho rằng VND sẽ có năm thứ 4 mất giá liên tiếp, một xu hướng đã xuất hiện trước đó trong giai đoạn 2008-2011 và 2013- 2016. Ngoài ra, HSC dự báo lãi suất điều hành sẽ tăng nhẹ lên lần lượt 4,75% và 5% tại thời điểm cuối năm 2025 và 2026.

Theo nhóm phân tích, trong 3 năm qua, VND đã mất giá tổng cộng gần 11%. Tuy nhiên, NHNN có vẻ đánh giá mức độ mất giá này là trong tầm kiểm soát khi so sánh với các đồng tiền khác, bao gồm EUR, KRW, TWD, RMB và JPY, đặc biệt là trong bối cảnh trọng tâm chính của Việt Nam vẫn là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% (cao hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đặt ra cho năm 2024); lạm phát được giới hạn ở mức 4,5% (so với biên độ 4-4,5% cho năm 2024). Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, NHNN sẽ không nâng lãi suất điều hành ngay lập tức. Thay vào đó, HSC dự báo lãi suất tái cấp vốn sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào quý IV/2025, sau đó tăng thêm 25 điểm cơ bản vào năm 2026.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung-cầu ngoại tệ. Do đó, trong kịch bản cơ sở (Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025), tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà NHNN đang đặt ra.

Còn HSC điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND lên lần lượt 25.450, 26.000 và 26.000 tại thời điểm cuối năm 2024, 2025 và 2026, tăng từ lần lượt 24.950, 24.850 và 24.750.

Thanh Hoa


Tác giả: Dự trữ ngoại hối sụt giảm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết