Từ vùng quê cách mạng đến vùng kinh tế trọng điểm của Sơn La
Vùng quê cách mạng với cứ điểm lịch sử Nà Sản và Ngã ba Cò Nòi, 70 năm sau giải phóng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã vươn lên trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La.
Ngược dòng thời gian, trong Chiến dịch Tây Bắc 1952, để đập tan cứ điểm Nà Sản – căn cứ quân sự quan trọng của thực dân Pháp, quân và dân ta liên tục tiến công, bao vây, cô lập, gây khó khăn cho việc tiếp viện đường bộ, đường không. Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, đẩy cứ điểm Nà Sản vào thế cô lập. Ngày 10/8/1953, quân Pháp rút khỏi Nà Sản, Mai Sơn hoàn toàn giải phóng.
Sau giải phóng, huyện Mai Sơn củng cố chính quyền, tham gia kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Trong đó, địa danh Ngã ba Cò Nòi đã trở thành “bản hùng ca lịch sử” - là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa, con đường vận tải, tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên con đường chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Giai đoạn 1965-1975, hàng ngàn con em các dân tộc Mai Sơn lên đường nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất.
Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Mai Sơn đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, Mai Sơn đã vươn lên phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Nổi bật trong nông nghiệp, Mai Sơn là huyện trọng điểm triển khai các chủ trương của tỉnh Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị. Đến nay, Mai Sơn có 11.000 ha cây ăn quả, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Na, dâu tây, chanh leo... cho thu nhập trên 300 triệu/ha/năm; trên 19.000 ha cây công nghiệp, gồm cà phê, mía, sắn...
“Xã chúng tôi đang có trên 600ha cây ăn quả, hơn 500 hộ gia đình có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới 3%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát huy tiềm năng lợi thế xây dựng xã Chiềng Mung đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”, bà Vì Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, huyện Sơn La cho biết.
Mai Sơn trở thành Trung tâm công nghiệp của tỉnh Sơn La, với Khu Công nghiệp Mai Sơn và các nhà máy chế biến như: Nhà máy mía đường, Nhà máy chế biến cà phê, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc...
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. 98,85% hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia, 97% hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% hộ gia đình khu vực đô thị sử dụng nước sạch; thị trấn Hát Lót được công nhận là đô thị loại IV đầu tiên của tỉnh.
Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện uỷ Mai Sơn, Sơn La cho biết, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, trong chặng đường tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện quyết tâm đổi mới, xây dựng Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững.
“Chúng tôi sẽ quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung xây dựng được cấp uỷ lãnh đạo sâu sát, chính quyền thân thiện, điều hành hiệu lực hiệu quả. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, thực hiện phương châm “5 rõ” và “6 dám” trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Gồm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”; “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách”, ông Nguyễn Việt Cường khẳng định.
Huyện Mai Sơn cũng tập trung phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; hình thành, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản, đưa Mai Sơn trở thành Trung tâm chế biến nông sản của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.
Tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Mai Sơn (10/8/1953 – 10/8/2023), Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định công nhận vùng na ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Hát Lót, xã Cò Nòi, xã Nà Bó, xã Chiềng Lương của 3 HTX, 166 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất với diện tích trên 334 ha. Đây là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thứ 5 của tỉnh Sơn La.
Theo Lê Hạnh