Tổng dư nợ tín dụng địa bàn Hà Nội tăng 2,76%
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến ngày 31/3/2022 ước đạt 2.550.796 tỷ đồng, tăng 2,76% so với 31/12/2021.
Các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.Ảnh: VGP/Minh Anh |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong quý I năm nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến ngày 31/3/2022 dự kiến sẽ 2.550.796 tỷ đồng, tăng 2,76% so với ngày 31/12/2021; dư nợ ngắn hạn tăng 3,05%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,57%; dư nợ VND tăng 3,02%, dư nợ ngoại tệ tăng 0,54% so với ngày 31/12/2021. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 2.335.383 tỷ đồng chiếm 91,56% và tăng 3,02% so với ngày 31/12/2021.
Đến ngày 31/3/2022 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 211.469 tỷ đồng, chiếm 9,06%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 447.226 tỷ đồng, chiếm 19,15%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 121.557 tỷ đồng, chiếm 5,21%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 56.283 tỷ đồng, chiếm 2,41%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 8.734 tỷ đồng, chiếm 0,37%; cho vay chính sách xã hội đạt 11.163 tỷ đồng, chiếm 0,48%; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 549.982 tỷ đồng.
NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, ngân hàng thường xuyên cử cán bộ tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giải đáp, xử lý các khó khăn vướng mắc. Các TCTD trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 70.415 khách hàng với dư nợ 78.150 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 376.725 khách hàng với dư nợ 591.711 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 3.158.188 tỷ đồng cho hơn 207.342 lượt khách hàng.
Dự kiến đến ngày 31/3/2022, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,90% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo. Các TCTD tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đối với các khoản vay thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề.
Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Đến ngày 31/3/2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn dự kiến đạt 4.361.880 tỷ đồng, tăng 2,6% so với ngày 31/12/2021. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 2,42%, tiền gửi thanh toán tăng 2,67% so với ngày 31/12/2021.