Tín dụng nội bộ của HTX: Lo rủi ro vì thiếu thông tư hướng dẫn
Tín dụng nội bộ trở thành "cứu cánh" cho các thành viên HTX trong bối cảnh khó vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp phải nhiều khó khăn vì chưa có thông tư hướng dẫn, do đó HTX rất dễ làm sai, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngày 28/7, tại Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX”, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể, HTX còn khá hạn chế. Tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng, 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển và 3,7% HTX được tiếp cận tín dụng hàng năm. Đây là con số rất khiêm tốn.
Lối đi mới cho tín dụng HTX
Khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom; năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không khuyến khích nông dân, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành "bẫy" tín dụng hay "tín dụng đen" trong phát triển ở khu vực nông thôn.
Mô hình góp vốn tín dụng nội bộ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp 2 Tháng 9 (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã trợ lực cho nhiều thành viên khó khăn. |
Ông Cần Hoài Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tâm Tính cho biết: “HTX chúng tôi là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết măng tre Bát Độ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khi lập kế hoạch xây dựng chuỗi trong 5 năm 2022 - 2027, chúng tôi có hơn 1.000 hộ nông dân tham gia với diện tích vùng nguyên liệu đăng ký trồng là 1.000ha. Nhưng vì nguồn vốn của HTX có hạn nên trong năm 2022, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ được bà con cho nợ cây giống để trồng được 50ha.
Để giải quyết bài toán về vốn, một số HTX đã xây dựng tín dụng nội bộ. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Ngọc An (Bình Định) cho biết: HTX Ngọc An được chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang. Trong HTX có nhiều dịch vụ cho các thành viên như trồng trọt, vật tư nông nghiệp..., trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ hoạt động từ năm 1997 đến nay. Hiện nay, HTX hoạt động tín dụng nội bộ theo cách thức huy động nguồn vốn góp từ các thành viên, chưa tiếp cận được với nguồn vốn nào từ ngân hàng. HTX mới xây dựng quy chế hoạt động tín dụng nội bộ, chưa có thông tư hướng dẫn nào từ phía Nhà nước, ngân hàng.
“Tín dụng nội bộ rất phù hợp, gần gũi, thực tiễn với các thành viên, đặc biệt là thành viên ở nông thôn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay qua HTX tuy nhỏ nhưng nhanh gọn so với tín dụng từ ngân hàng”, ông Nghiệp cho hay.
Cũng cho rằng tín dụng nội bộ rất bức thiết trong bối cảnh các HTX khó vay vốn qua ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, luật cho phép HTX làm những dịch vụ mà Nhà nước không cấm, trong đó có tín dụng nội bộ. Trước đây, HTX thực hiện theo Thông tư 15/VBHN-NHNN hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX, tuy nhiên, đến nay, thông tư này không còn giá trị pháp lý, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn, nếu không có văn bản hướng dẫn thì HTX rất dễ làm sai.
Hiện cả nước có gần 1.200 HTX nông nghiệp thực hiện tín dụng nội bộ, chưa tới 10% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Lượng vốn mà các HTX huy động chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong Luật HTX có quy định.
“Ngân hàng Nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn để HTX thực hiện. Việc giải quyết được tín dụng nội bộ cho HTX sẽ góp phần giảm thiểu "tín dụng đen”, ông Đời kiến nghị.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đồng tình với ý kiến của các HTX, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II cho biết, hiện nay, các HTX làm tín dụng là tự phát, căn cứ vào văn bản pháp luật thì còn nhiều thiếu sót, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho HTX do ban hành quy định không chặt chẽ.
Ông Hải dẫn chứng, tại Thái Lan, các HTX huy động tiền gửi từ các thành viên với số lượng cho vay nhỏ, sau khi vay phải gửi lại một phần vào quỹ tín dụng.
Các ngân hàng phát triển nông nghiệp và HTX tại Thái Lan hưởng chính sách từ Chính phủ với mức lãi suất cho vay từ HTX và ngân hàng là 5,05%/năm so với lãi suất bình thường 10,5%/năm. Tuy nhiên quy định rõ khoản vay chỉ được sử dụng cho tiêu thụ, sơ chế, chế biến, dịch vụ tín dụng nội bộ chứ không được dùng để xây dựng hạ tầng.
Về một số đề xuất, ông Trần Minh Hải đề nghị Nhà nước ban hành quy định liên quan đến tín dụng nội bộ của HTX. Các ngân hàng thương mại cổ phần có thể liên kết sản xuất theo chuỗi để thực hiện khoản vay gắn với HTX, ví dụ như mô hình của Ngân hàng Nam Á kết hợp với Công ty Nam Miền Trung thực hiện chuỗi nuôi tôm.
TS. Trần Minh Hải đề xuất mô hình hiện nay các tỉnh phía Nam và một số ngân hàng ở TP.HCM đang thực hiện: tập huấn cho các lực lượng cán bộ tín dụng ngân hàng hiểu hơn về các mô hình và hoạt động của HTX, từ đó xây dựng cho các HTX các phương án kinh doanh khả thi. Khi các HTX đã có phương án khả thi, khả năng thu hồi vốn sẽ lớn hơn.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của các hạn chế trên đa phần là từ những bất cập và hạn chế của khung pháp lý quy định tại Thông tư 15 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước. Theo Thông tư 15, tín dụng nội bộ là một hoạt động phụ trợ trong HTX. Còn chiếu theo Luật HTX thì đây không phải là hoạt động kinh doanh tiền tệ, nhưng hiện nay chưa có quy định nào làm rõ vấn đề này.
Hoặc những câu hỏi như: Hoạt động tín dụng nội bộ của HTX có được xem là hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện của tổ chức tổ chức tín dụng phi ngân hàng hay không vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Tương tự, Luật HTX năm 2012 cho phép tín dụng nội bộ là một trong nhiều hoạt động dịch vụ của HTX, trong khi Thông tư 15 vẫn sử dụng căn cứ pháp lý là Luật HTX 2003 đã hết hiệu lực...
Thanh Hoa