Thuế quan của Mỹ có thể kéo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản xuống khoảng 2%
Các nhà phân tích cảnh báo, mức thuế quan cao hơn đáng kể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm cả thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu ô tô, sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Nhật Bản xuống khoảng 2% trong những năm tới.
Ông Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura ước tính, thuế quan của Mỹ có thể đẩy tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản xuống hơn 0,7% trong một năm, đồng thời ông cũng cảnh báo cần cảnh giác trước khả năng suy thoái.
Còn ước tính của Viện nghiên cứu Daiwa thì cho rằng các mức thuế đối ứng của Mỹ công bố sẽ kéo GDP đã điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản xuống khoảng 1,8% vào năm 2029, năm mà ông Trump dự kiến kết thúc nhiệm kỳ.
Ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai không liên tiếp của mình vào ngày 20/1, đã áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tháng 3 và bắt đầu áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với tất cả các loại ô tô được sản xuất bên ngoài Mỹ.
Đến ngày 2/4, ông Trump cho biết sẽ áp dụng mức thuế quan đối ứng tối thiểu 10% đối với tất cả hàng xuất khẩu sang Mỹ và các khoản thuế bổ sung tiếp theo cao hơn đối với Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Thuế quan ô tô của Tổng thống Donald Trump sẽ có tác động đặc biệt lớn đến Nhật Bản, vì ngành công nghiệp ô tô là hoạt động kinh doanh cốt lõi, là động lực chính của nền kinh tế quốc gia này. Mỹ vẫn là thị trường hàng đầu cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cùng với nhiều nhà thầu phụ trong nước.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, hơn 1,3 triệu xe đã được vận chuyển đến Mỹ vào năm 2024. Khối lượng này chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, chiếm tỷ trọng cao nhất trong số tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản đã giảm sút vào tháng 3 lần đầu tiên sau một năm, theo cuộc khảo sát Tankan hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố vào đầu tháng này, vì thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã làm mờ đi triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.
Thuế quan cao hơn của Mỹ áp dụng tại thời điểm Nhật Bản đang ở trong tình huống mà tốc độ tăng trưởng tiền lương có thể vượt xa tốc độ tăng giá - một mục tiêu mà chính phủ và ngân hàng trung ương theo đuổi, trong nỗ lực chống lại tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ.
Năm ngoái, các công ty trong nước đã đồng ý tăng lương trung bình 5,28% tại các cuộc đàm phán thường niên với các nghiệp đoàn lao động, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm, trong khi giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản tăng 3,1% trong năm 2023, mức tăng nhanh nhất trong 41 năm.
Theo khảo sát ban đầu của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản, trong các cuộc đàm phán mùa xuân "shunto" mới nhất, các công ty đã đề nghị tăng lương trung bình 5,42% so với mức của năm trước, điều này cho thấy mức tăng lương hàng năm năm thứ hai liên tiếp vượt quá 5%.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, việc đạt được mức tăng trưởng tiền lương có thể vượt qua lạm phát vẫn còn là thách thức, vì nhiều công ty, bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá nguyên liệu thô toàn cầu và sự mất giá của đồng Yên, không đủ khả năng chi cho nguồn nhân lực.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản hy vọng việc tăng lương sẽ lan rộng đến các công ty vừa và nhỏ, nơi sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động của quốc gia, tuy nhiên thuế quan của Mỹ cùng các tác động phụ của việc này có thể dội gáo nước lạnh vào xu hướng này, các nhà kinh tế nói thêm.
Ông Shinichiro Kobayashi, kinh tế chính tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting cho biết, căng thẳng thương mại leo thang do thuế quan của Mỹ gây ra có thể cản trở các hoạt động kinh doanh trên diện rộng, và mô tả đây là "kịch bản tồi tệ nhất".
"Nếu nền kinh tế thế giới chậm lại, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm, gây ra hậu quả cho nền kinh tế trong nước, chẳng hạn như cắt giảm chi tiêu vốn, một thành phần quan trọng khác của GDP”, ông Kobayashi cho biết.
GDP thực quý IV/2024 của Nhật Bản đã tăng trưởng 2,2% tính theo năm, ghi nhận quý tăng trưởng thứ ba liên tiếp. Về mặt kỹ thuật, một nền kinh tế được coi là suy thoái nếu suy giảm trong hai quý liên tiếp.